Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên chia sẻ, như một "khúc đồng vọng" tiếp nối từ Đối thoại Shangri-La, bài phát biểu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu những vấn đề đúng chỗ, đúng lúc và đúng thời điểm, phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo nên sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế. Tham gia LHQ từ năm 1977, đến nay vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Rất nhiều nước quan tâm đến Việt Nam, muốn tìm hiểu Việt Nam, còn những nước đang phát triển lại muốn học tập những kinh nghiệm của chúng ta.

“Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu, tôi đã đọc bài phát biểu này nhiều lần và ấn tượng nhất khi Thủ tướng nhấn mạnh rất rõ rằng Việt Nam sẽ có trách nhiệm đóng góp cho các hoạt động LHQ, sẵn sàng tham gia lực lượng hòa bình của LHQ. Tôi nghĩ đó là những đóng góp rất tích cực, rất tốt của Việt Nam”, ông Nguyễn Dy Niên nói.

dung_copy.jpg
Các đại biểu chăm chú lắng nghe bài phát biểu của Thủ tướng (Ảnh chinhphu.vn)

Tại diễn đàn Đại Hội đồng LHQ lần này có nhiều người đứng đầu Chính phủ, nhiều nguyên thủ quốc gia phát biểu và cũng có những bài dư luận hết sức quan tâm vì đã tiếp cận được nhiều vấn đề nóng hổi của thế giới. Ví dụ như Tổng thống Iran nói lên quan điểm mới của Iran về xử lý vấn đề nguyên tử, phát triển vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được sự quan tâm rất đặc biệt.

“Ngôn ngữ để chuyển tải thông điệp hay và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, làm cho người nghe dễ tiếp nhận”, nhà ngoại giao kỳ cựu nhìn nhận.

“Thủ tướng đã nhấn mạnh đến vấn đề hòa bình bởi như chúng ta đã biết thế giới hiện nay xuất hiện những mầm mống của xung đột. Ví dụ, cuộc khủng hoảng ở Syria vừa qua là vấn đề cả thế giới quan tâm và cùng tìm cách để tháo gỡ “ngòi nổ” của nó. Lần này Thủ tướng đã đề cập và tiếp cận vấn đề rất hay.

Vấn đề hòa bình đã được nói đến rất nhiều, trên các diễn đàn quốc tế đã có hàng ngàn bài phát biểu nói đến vấn đề này, nên rất cần tiếp cận chủ đề bằng những điểm thu hút được chú ý của mọi người.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến một cách tự nhiên nhưng hay ở chỗ Thủ tướng đại diện cho nước Việt Nam, một đất nước đã chịu đựng rất nhiều trong chiến tranh, như Thủ tướng đã nói: “Mỗi người Việt Nam chúng tôi đã phải hứng chịu một lượng bom đạn gấp gần 10 lần trọng lượng cơ thể mình”. Điều đó nói lên sự khốc liệt của chiến tranh ở Việt Nam. Cho nên tiếng nói đó vẫn là tiếng nói trong hòa bình nhưng từ Việt Nam lại có trọng lượng và ý nghĩa đặc biệt.

Một trong những hình ảnh đi vào lòng người và đầy cảm xúc là khi Thủ tướng nói: “Sinh mạng con người, dù màu da nào, cũng quý như nhau. Mạng sống của một người bị cướp đi thì đối với một gia đình, dù ở ngay khu Manhattan này hay ở nơi hẻo lánh nào đó trên Trái đất, cũng đều là mất mát thương đau”.

Các đại biểu chúc mừng Thủ tướng sau bài phát biểu đầy ấn tượng (Ảnh chinhphu.vn)

Nói lên được nguyện vọng hòa bình và những tiềm ẩn của xung đột chiến tranh nhưng làm thế nào để ngăn chặn mới là điều quan trọng. Đặc biệt, một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh đến “xây dựng lòng tin chiến lược”. Đây là điều rất quan trọng vì không có lòng tin, nhất là lòng tin chiến lược, thì rất khó tháo gỡ những ngòi nổ và bế tắc. Thủ tướng đã nêu được những vấn đề rất đúng, đúng chỗ, đúng lúc và đúng thời điểm, tạo nên sự chú ý.

Trước tiên nói đến hòa bình thì phải nói  đến trách nhiệm của các nước lớn. Thủ tướng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu về vai trò của các nước lớn, các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.

“Vấn đề hòa bình là vấn đề lớn. Mặc dù bài phát biểu ngắn gọn chỉ trong 10 phút nhưng đã gói được những vấn đề như vậy là rất hay và khéo léo”, ông Niên chia sẻ.

Vấn đề thứ hai Thủ tướng đề cập là xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là vấn đề thế giới hết sức quan tâm, nhất là việc hoàn thành những Mục tiêu Thiên niên kỷ mà LHQ đã đề ra.

Việt Nam là một trong những nước thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ rất tốt. Cho nên khi Thủ tướng phát biểu đã thể hiện sự tự tin mặc dù chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề trong xóa đói, giảm nghèo.

Ông Nguyễn Dy Niên bày tỏ tâm đắc khi Thủ tướng nêu lên những vấn đề này bởi dễ giành được sự đồng tình của các nước trên thế giới, nhất là những nước đang phát triển. Từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Việt Nam không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho riêng mình mà còn góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Đồng thời chúng ta đã giúp đỡ một số nước khó khăn về lương thực như Cuba và một số nước châu Phi.

Thủ tướng đã nêu rất đúng và được hoan nghênh khi nhấn mạnh việc xóa đói, giảm nghèo không phải là nỗ lực của riêng những nước nghèo và các nước đang phát triển mà là trách nhiệm của cả những nước phát triển vì sự giàu có của một số người, của một số nước có sự đóng góp của các nước nghèo.

Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề phát triển bền vững vì thế giới hiện nay đang bị đe dọa về ô nhiễm khí hậu, môi trường. Nếu nhân loại không nhận thức và có sớm giải pháp bền vững thì tình hình thế giới sau 10 năm, 20 năm nữa sẽ rất bi kịch.

Mặc dù Thủ tướng đề cập đến vấn đề này một cách ngắn gọn nhưng đã nêu bật mối quan tâm, sự cố gắng của Việt Nam đóng góp và góp phần cùng với các nước trên thế giới giải quyết những vấn đề còn tồn tại để thế giới phát triển ngày càng bền vững./.