Sáng 22/5, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quang Tùng – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một đại trí, đại nhân, đại dũng, là kết tinh của tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại.
Ông Lê Quang Tùng – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo. |
Di chúc là những lời căn dặn thiết tha, chứa đựng biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách, thể hiện trong từng lời nhắc nhở, dặn dò trước lúc Bác đi xa. “Mấy lời để lại” của Bác chứa đựng nội dung phong phú và sâu sắc, chuyện nước nhà, chuyện thế giới, dặn dò lãnh đạo, nói với nhân dân, từ già đến trẻ, về hiện tại và tương lai, về việc chung và việc riêng... hầu như ai cũng được Bác nhớ đến và dặn dò với muôn vàn tình thương yêu.
“Mấy lời để lại của Bác là tâm nguyện, là tình cảm, ý chí, trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng”- ông Lê Quang Tùng cho biết.
Theo ông Lê Quang Tùng, trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, thể hiện cụ thể trong suy nghĩ, và thực hiện công việc hàng ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tìm hiểu về minh triết Hồ Chí Minh trong Di chúc, GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, bản Di chúc của Người đã để lại cho đồng bào, đồng chí, bầu bạn quốc tế thêm một lần được thấu hiểu và thấu cảm về Người.
GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. |
Theo GS Hoàng Chí Bảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn viết Di chúc vào dịp sinh nhật để vui chứ không buồn. Sự sống – vốn mạnh hơn cái chết. Lấy sự sống để vượt lên cái chết, với Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản lĩnh văn hóa. Người thực sự là một hiện tượng văn hóa độc đáo.
Bản Di chúc chỉ với 1000 từ, Người đã làm một tổng kết lớn lý luận và thực tiễn về cách mạng Việt Nam, về sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mà Người một đời gắn bó, dấn thân và dâng hiến.
Trong Di chúc, Người cũng đặt ra vấn đề dự báo trong tương lai. Với tất cả sự nhạy cảm và linh cảm, Người biết rằng, đổi mới là thường xuyên và lâu dài, là một cuộc chiến đấu khổng lồ, chống lại những cái cũ kỹ, hư hỏng, lỗi thời, hướng tới tiến bộ, phát triển tốt đẹp, vì thế phải dựa vào dân, tập hợp dân thành phong trào, lực lượng để dân thực hiện.
“Bản Di chúc không chỉ thực hiện tư tưởng ở tầm cao thời đại mà còn kết tinh ở đạo đức trong sáng và cao thượng, ở phong cách giản dị, hài hòa, thấu lý, đạt tình, trọn vẹn tình nghĩa của một con người mang cốt cách “Chân – Thiện – Mỹ” mang tên Hồ Chí Minh”- GS Hoàng Chí Bảo nói và cho biết, trí tuệ và đạo đức trong cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, sáng lập và rèn luyện Đảng ta thành một Đảng cách mạng chân chính, “Đảng là đạo đức, là văn minh” làm nên minh triết của Người.
Theo Ban Tổ chức Hội thảo, chương trình đã nhận được gần 50 tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạt động thực tiễn thể hiện sự quan tâm, tập trung làm rõ nhiều nội dung liên quan tới bản Di chúc lịch sử.
Các tham luận được trình bày đề cập tới nhiều vấn đề như: Làm rõ hoàn cảnh ra đời và quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc, cũng như quá trình công bố và xuất bản tài liệu này của Người; phân tích những nội dung cơ bản của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và đưa ra những nhận định sâu sắc về giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 50 năm qua và hướng đi cho tương lai.
Tư tưởng của Người trong Di chúc là định hướng cơ bản, quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cả hôm nay và mai sau, vì mục tiêu đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, bao quát toàn diện các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...
“Qua những tham luận tại hội thảo, chúng ta càng có đủ cơ sở lý luận và căn cứ thực tiễn để khẳng định rằng, dù nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta trong Di chúc vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai”- Ban tổ chức Hội thảo cho biết./.
Học viện Chính trị Quân sự tổ chức hội thảo về Di chúc Bác Hồ
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giá trị một Văn kiện lịch sử
Di chúc Hồ Chí Minh - Quốc bảo để xây dựng đất nước to đẹp hơn