"Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng áp dụng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính công, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp gắn với đổi mới chế độ công chức, công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn |
Ngày 4/11/1831, thực hiện công cuộc chấn hưng đất nước của triều đình nhà Nguyễn, Vua Minh Mệnh đã chia định địa hạt phía Bắc nước ta thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Lạng Sơn. Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử tên gọi tỉnh Lạng Sơn được xuất hiện và chính thức có tên trên bản đồ với đơn vị hành chính là một tỉnh của nước Việt Nam.
Là vùng đất cửa ngõ “phên dậu”, địa đầu của Tổ quốc với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, Lạng Sơn luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã cùng đồng bào cả nước anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà, lập nên nhiều chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử những trang vàng chói lọi.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước cho rằng, dù đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, nhưng đến nay, Lạng Sơn vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chỉ số hấp dẫn đầu tư còn thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu...
Tự hào kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh, với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn huy động tối đa các nguồn lực để khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
“Huy động tối đa các nguồn lực để khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của tỉnh, tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ du lịch; tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020; phát triển toàn diện nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng các vùng cây nguyên liệu, cây đặc sản, cây có giá trị kinh tế cao, khai thác và phát huy thế mạnh về kinh tế đồi rừng gắn với phát triển các cơ sở chế biến”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước đề nghị Lạng Sơn cần phát triển toàn diện nông, lâm nghiệp, khai thác và phát huy thế mạnh về kinh tế đồi rừng |
Bên cạnh đó tỉnh cần tranh thủ tối đa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, phấn đấu đến năm 2020, Lạng Sơn trở thành một trung tâm dịch vụ của tiểu vùng Đông Bắc.
Trong phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa việc xây dựng phát triển văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở. Đồng thời tỉnh cần làm tốt hơn công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, đặc biệt quan tâm các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, đồng bào ở vùng cao, biên giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị: “Thường xuyên coi trọng và làm tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm buôn lậu, hàng giả, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, ma túy ở khu vực nông thôn, vùng biên giới. Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới”.
Trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh cần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gần dân, sát dân, hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Trong đó cần tập trung đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời thường xuyên đấu tranh tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Chủ tịch nước tin tưởng với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn sẽ nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức. Qua đó xây dựng Lạng Sơn thành một tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước./.