Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng để phát triển đất nước trong tình hình mới khi Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế và hội nhập ngày càng sâu rộng, vấn đề cốt lõi phải là con người.

Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII đã nhấn mạnh vấn đề phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao, trở thành nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước giai đoạn hiện nay. Thực trạng nguồn nhân lực hiện nay khó cho phép tận dụng tốt nhất vận hội, thời cơ đang đến với đất nước. 

Nếu trong thời gian tới, không giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chất lượng nhân lực trầm trọng, hệ quả là sụt giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, đánh mất cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế...

nhan_luc_jvhn.jpg
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp chúng ta nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế bền vững

TS Phạm Thị Minh Huệ, giảng viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, giáo dục và đào tạo đóng góp phần lớn vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì vậy cần có những chính sách đãi ngộ và giữ chân các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tham gia vào công tác giảng dạy tại các trường đại học trong nước cũng như các sinh viên đã được đào tạo ở nước ngoài về nước.

“Trong dự thảo văn kiện có xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu và có sứ mệnh là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Để thực hiện được nội dung này, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sau khi ra trường tham gia vào các hoạt động giáo dục đào tạo". 

"Bên cạnh đó, với các giảng viên trẻ sau khi được đào tạo ở nước ngoài về, theo tôi cần có chính sách đãi ngộ và cần có môi trường làm việc tốt để họ có thể đem kiến thức và kinh nghiệm đã học hỏi được ở môi trường nước ngoài áp dụng vào môi trường làm việc của Việt Nam”, TS Phạm Thị Minh Huệ kiến nghị.

Thực tế cho thấy nguồn nhân lực qua đào tạo có chất lượng cao là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm nay, số lao động trình độ đại học, sau đại học ở Việt Nam thất nghiệp đã tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000 người.

Trong khi đó, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, trên 80% nhà sử dụng lao động cho biết những ứng viên cho các vị trí kỹ thuật viên còn thiếu các kỹ năng cần thiết cho công việc. Khảo sát của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản năm 2014 với trên 100 doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy: 80% doanh nghiệp đang cần các kỹ thuật viên và 87% doanh nghiệp cần thêm các kỹ thuật viên trong tương lai.

Thạc sĩ Trần Trọng Kim, giảng viên trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học không có việc làm chủ yếu là do năng lực chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; việc liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế.

Để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, Thạc sĩ Trần Trọng Kim góp ý: “Vấn đề về giáo dục, cơ cấu nguồn nhân lực, chúng ta đã có ngành nghề đạo tạo tương đối rộng, bao trùm nền kinh tế, tuy nhiên cơ cấu này không phù hợp và đặc biệt là vấn đề dự báo nguồn nhân lực trong tương lai. Nếu như chúng ta dự báo được, đánh giá được trong tương lai gần, tương lai xa, ngành nghề nào phát triển phù hợp với điều kiện của đất nước thì chúng ta mới có thể có định hướng đúng về chất lương, số lượng, tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ”.

Theo các chuyên gia của các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế, Việt Nam cần xác định phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của các ngành mà Việt Nam ưu tiên phát triển. Đây là việc làm cần thiết, vì không có quốc gia nào phát triển bền vững mà không phát triển nguồn nhân lực.

Để Việt Nam trở thành nước công nghiệp, bên cạnh việc xây dựng các chiến lược, kế hoạch về nhân lực, cần tăng cường chức năng điều phối liên kết giữa doanh nghiệp, trường học, nhà nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Góp ý kiến về đổi mới chính sách, cơ chế tài chính huy động sự đóng góp của toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, Tiến sỹ Trần Trung Nghĩa, Đại học Bách khoa thành phố Hồ chí Minh cho rằng, Việt Nam nên có một mô hình để có thể quốc tế hóa được các trường đại học. Ở đây ta nên đầu tư trọng điểm, tập trung cho 2 trường Đại học Quốc gia là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 2 trường tiêu biểu của cả nước.

Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay và tới đây thị trường lao động của Việt Nam sẽ hội nhập. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp chúng ta nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế bền vững./.

Nghe âm thanh tại đây: