Góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ngày 23/10, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhấn mạnh,công tác xây dựng Đảng trọng tâm vẫn phải lấy công tác cán bộ làm khâu đột phá quyết định. Làm tốt công tác cán bộ mới có cán bộ tốt.

Hy vọng cán bộ trẻ chứng tỏ được mình

Thảo luận tại Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Lê Minh Thông- Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng phải có cải cách, bước phát triển trong công tác cán bộ, công tác đảng viên. Bởi sức mạnh của Đảng không chỉ là đường lối mà ở những con người cụ thể, đảng viên cụ thể ở từng vị trí.

“Dân chủ trong đảng phải nhấn mạnh vì đó là một bước quyết định dân chủ ngoài xã hội. Tất cả các khâu, trong đó có cả khâu bầu ra lãnh đạo ở các cấp. Tiến hành được cạnh tranh trong công tác bầu cử, để chúng ta thực sự lựa chọn được những người có đức, có tài để lãnh đạo Đảng ở các cấp”, ông Thông đặt vấn đề.

le_minh_thong_qagf.jpg
Đại biểu Lê Minh Thông- Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội

Theo đại biểu Lê Minh Thông, trẻ hóa cán bộ lãnh đạo các cấp là một luồng gió mới và là làn sóng rất tốt, mà xã hội vẫn băn khoăn xôn xao thì cần nhìn nhận sự lựa chọn đã “tâm phục khẩu phục” chưa, trung thực với Đảng chưa chứ không phải phản đối cán bộ trẻ làm lãnh đạo.

Lãnh đạo càng trẻ càng tốt, tuổi trẻ tài cao, nhưng làm sao đồng chí lãnh đạo trẻ được bầu nhận được sự ủng hộ, “tâm phục khẩu phục” bởi đồng chí của mình, của toàn xã hội mới là điều quan trọng.

Do vậy, theo đại biểu, quy trình làm công tác cán bộ, cách thức bầu cử phải tính để làm sao bầu lên những cán bộ lãnh đạo thực sự xứng đáng. Hy vọng các lãnh đạo trẻ sẽ chứng tỏ được điều đó.

“Tôi nhấn mạnh, trong công tác xây dựng Đảng thì cán bộ vẫn là khâu then chốt, quyết định. Đúng quy trình mà xã hội vẫn băn khoăn thì mắc ở chỗ nào, trong Đảng chúng ta phải nghiêm túc chuyện đó”, ông Thông nói.

Quy định đặt ra thì phải tuân thủ nghiêm

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết có thể sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về công tác bổ nhiệm cán bộ đợt này. Bởi không làm công tác cán bộ tốt, chắc chắn sẽ không có cán bộ tốt.

Đánh giá việc bổ nhiệm cán bộ trẻ là rất tốt, xu thế rất hay, nhưng theo ông Bùi Sỹ Lợi, giữa quy định của Nhà nước với cái chúng ta làm “quy trình rất đúng” là điều cần bàn.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

“Một là chúng ta chấp nhận theo con đường lựa chọn của xã hội, cứ người nào có tài thì được trọng dụng. Hai là phải làm bài bản, tức là phải ngồi vị trí đó tối thiểu 5 năm, phải là chuyên viên chính, phải cao cấp lý luận chính trị… Tất cả các tiêu chí chúng ta đã đặt ra trong quy định. Đây anh chưa đến 1 năm thì có thể ngồi vị trí đó không?", ông Lợi đặt vấn đề.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội nêu quan điểm: "Chúng ta phải rõ ràng, hoặc là sửa quy trình, cứ người mà dân đồng tình, Đảng lựa chọn thì ta bổ nhiệm hoặc là tuân thủ đúng quy trình. Người ta không ai nói năng lực cán bộ, mà người ta nói giữa quy định pháp luật và con người cụ thể là không hợp lý”.

Liên quan công tác cán bộ, đại biểu Chu Sơn Hà- Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội nhấn mạnh: Tất cả từ nhận thức, phương thức tổ chức đến phương thức lãnh đạo và những cái đạt được và hạn chế đều gói gọn trong nguyên nhân con người và công tác tổ chức.

Chỉ ra 4 việc liên quan công tác cán bộ là tuyển chọn, giáo dục- đào tạo, sử dụng và giám sát, ông Chu Sơn Hà cho rằng phải quan tâm đạo đức và phẩm chất , tức cái “tâm” trước tiên bởi cái “tầm” chưa được thì đạo tạo. Cùng với đó là giám sát minh bạch, công khai, đánh giá khách quan.

“Nếu làm được 4 giai đoạn trên thì bộ máy sẽ có con người hoạt động tốt. Trước hết coi trọng bố trí, sắp xếp người làm công tác tổ chức của cả hệ thống chính trị có tâm, có tầm thì bộ máy vận hành tốt” – ông Hà nêu quan điểm./.