Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đánh giá cao nhận định này, cán bộ, Đảng viên và nhân dân cho rằng: những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy cần được Đảng kế thừa và phát huy sức mạnh đại đoàn kết để xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đồng thời Đảng cần thể hiện vai trò hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

khaimacdaihoi1_wkes_rijb.jpg
Người dân mong mỏi Đảng sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó Đảng đóng vai trò hạt nhân

Kể từ khi có Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến nay, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc được phát huy ngày càng cao hơn bởi có sự kết hợp nhuần nhuyễn những truyền thống quý báu của dân tộc và sự định hướng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã đoàn kết các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Điều đó đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết, đó là phát huy sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc.

Ông Phạm Thế Duyệt khẳng định: Đảng và Nhà nước cần tiếp tục nêu cao chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Tôi nghĩ nếu phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thì Đảng phải đoàn kết, lãnh đạo của Trung ương phải đoàn kết, phải là tấm gương cho bên dưới. Nhân dân đòi hỏi Đảng ta thực hiện cho được đường lối, nghị quyết đề ra, có làm tốt chúng ta mới tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tranh thủ được nhân dân thế giới hợp tác với chúng ta. Chúng ta hội nhập mà không bị hòa tan, điều đó là điều quan trọng về bài học đại đoàn kết”, ông Phạm Thế Duyệt nêu rõ.

Củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung quan trọng trong đường lối cách mạng của Đảng hơn 85 năm qua. Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 

PGS.TS Phạm Xuân Hằng (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng: Sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo là sự nghiệp không thể tách rời sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân. Chỉ gắn bó mật thiết với nhân dân bằng hành động thực tế, Đảng mới hoàn thành sứ mệnh cầm quyền hiện nay. Đồng thời, trong bối cảnh đất nước hiện nay đòi hỏi vai trò tổ chức thành viên mặt trận của Đảng phải thể hiện sâu sắc tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch với dân, lắng nghe ý kiến phản biện xã hội, chịu sự giám sát của nhân dân.

PGS.TS Phạm Xuân Hằng phân tích: “Động viên được sức mạnh toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay, Đảng phải hóa thân vào Mặt trận như những thời kỳ đấu tranh máu lửa, để làm hạt nhân khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ quyết định vấn đề xây dựng nội lực quốc gia. Lúc này Đảng cần thể hiện vai trò của mình, phải đoàn kết. Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng là tổ chức thành viên đặc biệt”.

Báo cáo chính trị của Đại hội cũng chỉ rõ: Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hoà quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Luật sư Bùi Xuân Đức khẳng định: đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích của các giai tầng trong xã hội, mọi người dân phải được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới một cách công bằng. Chính sách pháp luật phải vì quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

“Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích của các thành viên trong xã hội. Đại đoàn kết trong chính trị, trong sự nghiệp cách mạng đó là lực cầm quyền đoàn kết các lực lượng để đúng tinh thần đại đoàn kết”, Luật sư Bùi Xuân Đức nói.

Với niềm tin vào sự đổi mới và lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào tương lai của đất nước, các tầng lớp nhân dân mong muốn qua Đại hội tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, chung lòng cùng Đảng và Nhà nước phát huy tối đa nội lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh./.