Ở tầm nhìn chiến lược, Nghị quyết Trung ương 4 khóa X tháng 2/2007 về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" chính thức ghi nhận thế kỷ XXI là “thế kỷ của đại dương”. 

Theo ông Lê Viết Chữ, sự ghi nhận này của Đảng đã mở rộng nội hàm khái niệm phát triển kinh tế biển, nội hàm chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự mở rộng nội hàm này chính là việc nhấn mạnh phát triển kinh tế biển, đảo phải gắn với bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Sống nhờ biển thì phải giữ biển

Nghị quyết khẳng định: “Ngày nay biển càng có vai trò lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước…” nên chúng ta phải: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh".

le_viet_chu_1_dcqx.jpg
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Lê Viết Chữ

“Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, chưa bao giờ trong tâm hồn người Việt biển lại gây xôn xao đến vậy. Sự xôn xao này không chỉ gợi lên chút lãng mạn trong thi ca, âm nhạc hay trong đời sống mưu sinh thường nhật của người dân mà nó được nâng lên thành tầm “chiến lược quốc gia”, gắn với “vận hội” của dân tộc, đất nước; lớn lao và trọng đại, nhưng mộc mạc và giản dị: Sống nhờ biển, giàu lên từ biển nên ta phải bám biển, giữ biển”, Bí thư Quảng Ngãi bày tỏ.

Nói cách khác, theo ông Lê Viết Chữ, phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia là chủ trương lớn, là chiến lược nhất quán, là sự nghiệp lâu dài của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa.

Quảng Ngãi đã phối hợp với các Bộ, Ngành Trung ương đẩy mạnh công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; gìn giữ hòa bình, ổn định an ninh trên biển.

Lực lượng bảo vệ biển, đảo được chú trọng xây dựng cả về tổ chức, biên chế; các công trình phòng thủ dọc tuyến ven biển và trên đảo Lý Sơn được đầu tư xây dựng khá kiên cố.

Công tác bảo hộ ngư dân và tàu thuyền được thực hiện kịp thời, góp phần ổn định đời sống, giúp ngư dân an tâm tiếp tục vươn khơi bám biển.

Cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo

Trong tham luận, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Lê Viết Chữ kiến nghị có chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển phát triển, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn để nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển; đồng thời có chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

“Ngư dân giàu mạnh tức là nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo“, ông Lê Viết Chữ nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng Lý Sơn thành đô thị biển hiện đại

Đối với huyện đảo Lý Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng nơi đây trở thành một đô thị biển hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế du lịch, thủy sản; đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Nhấn mạnhở nơi nào ngư dân sinh sống và sản xuất là thể hiện trên thực tế chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ông Lê Viêt Chữ kiến nghị cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo và vùng ven biển, đảm bảo an sinh xã hội để người dân ra định cư lâu dài trên các đảo, nhất là những đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển đảo./.