Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - một chuyên gia về lịch sử Đảng, đã phân tích nhiều điểm mới trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng so với các Đại hội trước.
ong_nguyen_trong_phuc_giwg.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc (Ảnh: Quang Trung)

PV: Thưa ông, so với dự thảo Báo cáo Chính trị lần thứ XI, Dự thảo Báo cáo Chính trị lần thứ XII của Đảng có những điểm mới quan trọng gì?

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Chủ đề báo cáo chính trị bắt đầu từ "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh", như vậy nhấn mạnh vai trò quan trọng của xây dựng Đảng, vì xây dựng Đảng trong quá trình đổi mới được xác định là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm. Chỉnh đốn Đảng có hiệu quả tốt thì quyết định toàn bộ tiến trình đổi mới, mang lại chất lượng và hiệu quả cao hơn.  

Vấn đề lớn thứ hai, báo cáo chính trị lần này có điểm mới đó là nhấn mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ, nếu một khâu không đồng bộ thì không phát triển. Đổi mới từ cấp chiến lược cho đến cơ sở mới tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Thứ ba, từ thực tiễn của tình hình đất nước mà trong báo cáo chính trị đã nêu vấn đề bảo vệ tổ quốc ngay trong tiêu đề của báo cáo chính trị và trong nội dung có phần riêng trình bày về bảo vệ tổ quốc, đặc biệt nhấn mạnh độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của tổ quốc.

Thứ tư, trước Đại hội XI đều xác định đến năm 2020 nước ta cơ bản trờ thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhưng trên thực tế kỳ này nhìn nhận chưa đạt được nên có điều chỉnh lại, về mặt thời gian chỉ ghi trong báo cáo là đến năm 2020 tạo cơ sở để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm đạt được mục tiêu đó sau năm 2020. Như vậy, có điều chỉnh lại thời gian cho thực tế hơn.

PV: Trong những điểm mới nêu trên ông đặc biệt quan tâm đến nội dung nào?

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Tôi cho rằng, mấu chốt hiện nay là kinh tế. Đánh giá tổng kết 30 năm đổi mới, chúng ta nhận định nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới vẫn tồn tại. Bởi vậy, đất nước phát triển nhanh, gốc vẫn là kinh tế. Tuy nhiên, gốc kinh tế có hạn chế là: quy mô kinh tế nhỏ, chất lượng, hiệu quả thấp và còn nặng kinh tế tài nguyên, giá trị gia tăng của nền kinh tế còn hạn chế, năng suất lao động thấp.

Kỳ này điều mà tôi quan tâm là kinh tế bứt phá, phát triển nhanh, bền vững.  Muốn thế thì phải gắn với 3 đột phá Đại hội XI đã nêu mà đến nay làm chưa hiệu quả là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; đào tạo nguồn nhân lực và tạo kết cấu hạ tầng hiện đại. Đại hội 12 lần này vẫn phải nhấn mạnh 3 khâu đột phá thì mới bứt phá nền kinh tế đất nước.

PV: Đoàn kết trong Đảng là yếu tố then chốt và tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cũng là nội dung quan trọng được nêu ra ngay phần đầu của Dự thảo báo cáo chính trị. Ông có nhận định gì về nội dung này?

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Tôi cho rằng, đoàn kết trong Đảng là hạt nhân đoàn kết toàn xã hội và đoàn kết quốc tế. Quan điểm đoàn kết trong Đảng, Bác Hồ đã nêu ra từ sớm. Trong Di chúc, Bác đã nhấn mạnh thực hành dân chủ trong Đảng để giữ gìn sự đoàn kết. Từ thực hành dân chủ mới có thể đoàn kết tốt ngoài xã hội. Cho nên kỳ này có mục 11 là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với quyền làm chủ của dân mới phát huy sức mạnh chung cả hệ thống chính trị và chú ý đoàn kết quốc tế.

Theo tôi, vấn đề mấu chốt nhất là phải quan tâm đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống mà hiện nay ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Mặc dù đã đạt kết quả bước đầu nhưng chưa được như mong muốn. Nếu không sửa chữa được khuyết điểm đó thì đó là thách thức lớn nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, lựa chọn cán bộ, lựa chọn thế nào được người xứng đáng. Theo tôi cần làm tốt hướng dẫn Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị và kết luận của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11, tức là không để lọt vào Ban chấp hành Trung ương những người vi phạm 1 trong 9 khuyết điểm.

PV: Ông kỳ vọng gì qua việc góp ý lần này và theo ông Đảng cần tiếp thu ý kiến của nhân dân đóng góp như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Đây là việc làm cần thiết và cũng là điểm đáng mừng trong quá trình chúng ta phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa tốt hơn. Tức là nhân dân tham gia vào việc của Đảng, đất nước. Ngược lại, Đảng phải coi việc này là của dân, thực sự tin dân, lắng nghe dân, nghiên cứu, tổng hợp và cố gắng không bỏ sót góp ý xác đáng của dân. Ở đây đòi hỏi người xử lý ý kiến của dân phải có trình độ, trách nhiệm thì mới tiếp nhận ý kiến, trí tuệ của dân đóng góp. Tất nhiên cũng phải tỉnh táo phòng ngừa biểu hiện lợi dụng góp ý có ý đồ xấu về chính trị. Tôi cho rằng, sinh hoạt chính trị này là hết sức cần thiết và có lẽ phải động viên cao độ và giải thích cho rõ để người dân hiểu dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng để góp ý. Tôi kỳ vọng, kỳ này làm bài bản để hướng người dân tiếp cận, quan tâm đến chính trị của Đảng./.

PV: Xin cám ơn ông./.