Ngày 15/9, toàn văn các Dự thảo văn kiện chuẩn bị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân đóng góp ý kiến. Ngay trong sáng 15/9, nhiều cán bộ cao cấp, tướng lĩnh nghỉ hưu và các tầng lớp nhân dân ở thành phố Đà Nẵng đã tham gia ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị.                                             

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng công bố toàn văn Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng có ý nghĩa lớn trong việc tập hợp trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng nội dung văn kiện của Đảng. Qua đó tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong việc đưa Nghị quyết, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, các văn kiện này quyết định cuộc sống của toàn dân nên người dân tham gia càng nhiều càng tốt.

“Muốn phát triển đất nước thì phải có sức mạnh của toàn dân. Văn kiện không chỉ là trí tuệ của Đảng mà cần có sự đóng góp trí tuệ của toàn dân, toàn dân tham gia đóng góp ý kiến những vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An nêu ý kiến.  

Trong nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân thành phố Đà Nẵng, có những ý kiến đưa ra những giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, mở rộng hợp tác quốc tế. Có ý kiến yêu cầu đi sâu phân tích nêu bật những thành tựu và bài học kinh nghiệm từ thực tế vừa qua.

Ông Ngô Văn Trấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) nêu ý kiến: “Nội dung văn kiện phải gọn, rõ, thực tế, cụ thể. Quá trình lấy ý kiến phải làm sao phát huy tốt hơn nữa dân chủ cơ sở, tăng cường công tác phản biện”.

Đánh giá về nội dung văn kiện, cho rằng nội dung của dự thảo các văn kiện súc tích, dễ hiểu, nêu rõ những thành tựu, nguyên nhân cũng như các hạn chế, khuyết điểm và giải pháp khắc phục. Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 nêu ý kiến: “Có thể nói, văn kiện Đại hội lần thứ XII Đảng là một công trình khoa học được chuẩn bị rất công phu, chất lượng. Nội dung gọn, bố cục đầy đủ, lời văn dễ hiểu, không mỹ miều. Làm được tới đâu nói tới đó. Những chủ trương, thành công của những nhiệm kỳ trước và những định hướng chủ trương giải pháp cho nhiệm kỳ sắp đến đúng và hay”.

Ông Phạm Phát, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) mong muốn Đảng sẽ ghi nhận đúng mức tiếng nói của các tầng lớp nhân dân.

Với những người làm giáo dục, trong lần lấy ý kiến đóng góp văn kiện của Đảng này, họ đặc biệt quan tâm đến vấn đề đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và phát triển nguồn nhân lực được nêu trong dự thảo văn kiện.

Ông Đỗ Hữu Khoa, Chủ tịch Khối liên kết các trường chuyên nghiệp, Hiệu trưởng Trường Trung cấp công nghệ thông tin Sài Gòn nêu ý kiến: "Chúng tôi quan tâm tới một nội dung lớn được đưa vào nội dung của báo cáo chính trị lần này, đó là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt là nhận định về tình hình, trong báo cáo chính trị nêu rất rõ và đúng với thực tế hiện nay.

Riêng về phương hướng nhiệm vụ có một số chỉ tiêu được đặt ra, chúng tôi thấy phù hợp với xu hướng sắp tới. Tuy nhiên vấn đề về hội nhập giáo dục vẫn chưa thấy đặt ra trong dự thảo báo cáo chính trị lần này.

Tôi cũng mong muốn rằng, với chỉ tiêu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ngay từ bây giờ cộng đồng kinh tế ASEAN đã được hình thành, nền giáo dục của Việt Nam cũng phải đổi mới, từng bước hiện đại mới có thể nhanh chóng hội nhập cũng như đáp ứng được chỉ tiêu Dự thảo báo cáo đưa ra”./.