Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa được công bố ngày 15/9 đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân và chuyên  gia kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo văn kiện lần này bao quát và nêu bật được những thành tựu kinh tế, xã hội của đất nước trong 5 năm qua và đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế. Đồng thời dự thảo cũng nêu được các giải pháp nhằm đưa kinh tế Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên VOV, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần  Hoàng  Ngân, Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính –Marketing đánh giá cao việc nhìn nhận chi tiết nhưng rất bao quát tình hình kinh tế xã hội trong 5 năm qua được thể hiện trong dự thảo. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã nhìn đúng những khiếm khuyết, những tồn tại hạn chế của nền kinh tế và chỉ ra được nguyên nhân, tồn tại đó.
tran_hoang_ngan_pcld.jpg
Ông Trần Hoàng Ngân (trái)

PV: Thưa ông, trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có phần đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua, theo ông, nội dung văn kiện đã đánh giá được những điểm nổi bật về thành tựu kinh tế và nêu được những hạn chế, yếu kém cốt lõi nhất của nền kinh tế nước ta hiện nay chưa?

PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Tôi đánh giá cao những nhìn nhận chi tiết nhưng rất bao quát tình hình kinh tế xã hội trong 5 năm qua. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi. GDP dù không đạt chỉ tiêu nhưng có bước cải thiện đáng kể qua các năm. Một thành công nữa, chúng ta có thể nhìn nhận nền kinh tế vĩ mô đã đi vào ổn định so với những năm trước. Dự thảo văn kiện đã nhìn đúng những khiếm khuyết, những tồn tại hạn chế của nền kinh tế và chỉ ra được nguyên nhân, tồn tại đó.

PV: Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế  trong 5 năm tới, theo  ông những chỉ tiêu này có sát, đúng với thực tiễn và khả năng của kinh tế nước ta?

PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Rút kinh nghiệm ở những lần đại hội trước, dự thảo văn kiện đưa ra các mục tiêu về mục tiêu kinh tế, GDP 6,5-7% hay chỉ tiêu bội chi ngân sách 4% là các chỉ tiêu phù hợp với tình hình thực tại của kinh tế Việt Nam và tình hình kinh tế thế giới.

PV: Trong  phần dự thảo văn kiện có nêu các giải pháp phát triển kinh tế trong 5 năm tới, theo ông giải pháp nào sẽ tạo được bước đột phá và tạo được động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam mạnh mẽ trong thời gian tới?

PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Dự thảo văn kiện đã đưa ra 6 mục tiêu trọng tâm, trong đó mục tiêu thứ 3 là tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Tập trung vào đột phá 3 chiến lược về thể chế, nhân sự kết cấu hạ tầng, và cơ cấu về tổng thể đồng bộ nền kinh tế… Tôi lưu tâm vấn đề này trong văn kiện, thay vì trước đây chúng ta hướng về xuất khẩu, ngoại lực bên ngoài nhiều hơn thì bây giờ chúng ta có một sự dung hòa giữa ưu tiên cho thị trường xuất khẩu với thị trường nội địa, việc huy động nguồn lực bên ngoài. Chúng ta chú trọng thị trường nội địa nhiều hơn. Chúng ta cẩn thận hơn trong việc tập trung quá nhiều thị trường xuất khẩu. Chúng ta có sự chuyển dịch cho thị trường nội địa giảm độ mở cho nền kinh tế. Đất nước nào có độ mở lớn thì thường xuyên bị bất lợi, khó dự báo trong điều hành nền kinh tế vĩ mô.

PV: Xin cảm ơn ông./.