Biết quy định nhưng vẫn “lách”

Dự thảo báo cáo giám sát vừa được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lấy ý kiến cho thấy, lãnh đạo UBND nhiều địa phương “ngại” đối thoại, “lười” đến tòa khi bị công dân kiện về quyết định hành chính và hành vi hành chính, có địa phương Chủ tịch và cấp phó được ủy quyền vắng mặt 100%; thậm chí, khi có quyết định của tòa án rồi mà những vị này vẫn chậm thi hành án. 

Tình trạng không tham gia tố tụng, không tham gia các cuộc đối thoại với công dân, ngoài việc không tuân thủ pháp luật, làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân, còn làm mất cơ hội để chính quyền địa phương trao đổi, nắm bắt thông tin, ghi nhận nguyện vọng của công dân, từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả vụ việc.

thay_can_1_vov_pdnm.jpg
PGS.TS Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia (Ảnh: Bình Minh)
PGS.TS Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh, về nguyên tắc chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật thì mọi công dân Việt Nam đều phải sống và làm việc theo pháp luật, từ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức… Tuy nhiên, trong thời gian qua, ở đâu đó có phản ánh chưa thực thi nghiêm quy định của pháp luật, từ không đúng chức trách, không đúng quy định đến vượt thẩm quyền hay cầu lợi…. dẫn đến những vụ việc đáng tiếc.

“Chúng ta cũng hay nói người ta biết pháp luật nhưng vì lý do nào đó, như thấy có lợi cho mình nên vẫn cứ “lách luật”. Soi lại một số vụ việc vừa qua, chúng ta có nhắc đến nơi nọ nơi kia nhiều người chưa thực thi đúng, làm sai; nhiều nơi lãnh đạo không tiếp dân, hay các vụ kiện liên quan lĩnh vực hành chính, các lãnh đạo thường không dự” – ong Ngô Thành Can nói

Tuy vậy, theo ông Can, về phía những người thực thi công quyền có việc biết mà không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ như việc tiếp dân hay dự tòa vì nhiều lý do. Song, ở khía cạnh khác, đơn cử như việc tiếp dân, tùy lĩnh vực cũng có sự khác nhau trên thực tế.

“Tôi đã từng đến nhiều cơ quan, có hỏi về việc tiếp dân, nhưng ở nhiều nơi lãnh đạo đến ngồi chờ còn dân không đến. Cũng có những nơi có vấn đề hay sở ban ngành liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường dân đến thường xuyên, song có đơn vị anh em nói bao lâu rồi có thấy ai đâu! Còn vấn đề đó nữa chứ không đổ đồng chung” – ông Ngô Thành Can chia sẻ. 

Bên cạnh đó, theo ông Can, một lý do mà người thực thi công vụ dù biết vẫn “lờ” không thực hiện là nhiều khi chế tài không mạnh nên người ta không tuân thủ nghiêm túc. 

“Thông thường những vụ việc mà yêu cầu các nhà lãnh đạo cơ quan hành chính phải đến giải trình, làm rõ thì về nguyên tắc họ hoàn toàn có thể thu xếp được. Trường hợp vì lý do bất khả kháng, lý do quan trọng, anh có thể ủy quyền cho người đại diện nhưng bản thân cũng nên xuất hiện ở những buổi phù hợp, chứ phiên tòa kéo dài mà buổi nào cũng đến thì cũng khó. Rõ ràng cố gắng tham gia được là tốt nhất” – PGS.TS Ngô Thành Can nêu ý kiến.

Không nghiêm sẽ “nhờn”

Theo báo cáo giám sát từ cơ quan của Quốc hội thì lý do vắng mặt không tham gia tố tụng được UBND các địa phương nêu đều do “bận công tác” và do Luật TTHC năm 2015 thu hẹp phạm vi người được ủy quyền tham gia tố tụng dẫn đến khó khăn. 

Tuy vậy, lý do trên không dễ dàng được chấp nhận vì đơn giản, báo cáo giám sát từ cơ quan của Quốc hội thì có địa phương số lượng án hành chính lớn nhưng lãnh đạo UBND vẫn bố trí tham gia nghiêm túc. Ngược lại, có nơi số lượng án rất ít nhưng lãnh đạo UBND thường xuyên xin vắng, thậm chí có tỉnh vắng 100% số vụ.

Nhà nước pháp quyền yêu cầu mọi cán bộ công chức trong bộ máy phải là những đối tượng gương mẫu và nghiêm túc chấp hành pháp luật, để làm gương cho xã hội (Ảnh: Bình Minh)
PGS.TS Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh, Nhà nước pháp quyền yêu cầu mọi cán bộ công chức trong bộ máy phải là những đối tượng gương mẫu và nghiêm túc chấp hành pháp luật, để làm gương cho xã hội, cho người dân. Một khi nguyên tắc đó không được thực hiện, hệ lụy của nó sẽ là sự coi thường kỷ luật kỷ cương công vụ, nhờn pháp luật, làm giảm lòng tin của nhân dân... 

Theo PGS.TS Ngô Thành Can, chúng ta đang hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như đội ngũ cán bộ công chức viên chức đang từng bước ngày càng chuyên nghiệp và có tính trách nhiệm cao. Do đó, ở chỗ này chỗ kia, cũng còn nhiều người chưa thực sự tuân thủ. 

Tuy không phải là hiện tượng phổ biến nhưng khi người dân nhìn thấy ý thức của một số cán bộ công chức chưa thực hiện đầy đủ thì dẫn đến tín nhiệm của người dân với một số vị trí là không cao. Đặc biệt có những vi phạm chưa bị xử lý đã ảnh hưởng tới sự răn đe của pháp luật.

“Nếu chúng ta không thay đổi cách thức thực thi, thắt chặt chế tài, những vi phạm sẽ ngày càng nhiều lên. Bởi, họ thấy rằng vi phạm cũng chỉ xử lý rút kinh nghiệm, phê bình sâu sắc thì người sau sẽ lại tiếp tục vi phạm” - PGS.TS Ngô Thành Can cảnh báo; đồng thời nhấn mạnh, dù là ai, ở vị trí nào, đã làm sai, vi phạm đều phải xử lý nghiêm, vì bất kể nên công vụ nào, trong xây dựng và phát triển đều không thể lơ là việc củng cố niềm tin của dân chúng./.