Trong nhiều cách lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, thì việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đã xử lý được nhiều vụ việc nảy sinh, phức tạp ngay tại địa phương. Tuy nhiên, cách làm này hiện vẫn ở mức độ cầm chừng, mỗi địa phương một khác... nên đến khi những bức xúc xã hội bùng phát thì cấp ủy, chính quyền địa phương tỏ ra bị động, lúng túng. Chính vì vậy, đối thoại với nhân dân cần trở thành hoạt động thường xuyên để mọi khó khăn, bức xúc được giải quyết ngay từ cơ sở. 

thanh_hoa_2_dwce_bdjl.jpg
Người dân xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia tại cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
Hiện, có nhiều hình thức để tiếp nhận thông tin, giải quyết kiến nghị của người dân, trong đó phải kể đến các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử; Tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu UBND các cấp - các ngành, hoặc kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên và từ đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. 

Các hoạt động vừa nêu đã phần nào giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Nhưng thời gian qua, tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo vượt cấp; các đoàn khiếu kiện đông người kéo về Trung ương chưa giảm, thậm chí còn có biểu hiện phức tạp hơn. 

Trong các hoạt động tiếp xúc với đại biểu dân cử, những vấn đề “nóng” thường được nêu ra cụ thể, có địa chỉ, có trách nhiệm cá nhân, tập thể. Nhưng, với chức năng giám sát, kiến nghị, các đại biểu vẫn là “ghi nhận, phản ánh” tới các cơ quan có thẩm quyền ... rồi thông tin trở lại cử tri. Việc làm này ở nhiều nơi, hiện vẫn mang nặng hình thức và không mấy hiệu quả.

Công tác tiếp dân định kỳ của Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các cấp và người đứng đầu các cơ quan ở địa phương đã được quy định trong Luật tiếp công dân. Quy định thì rất cụ thể, nhưng nhiều nơi lại thực hiện không nghiêm. Chẳng hạn, Chủ tịch UBND tỉnh mỗi tháng ít nhất một ngày tiếp công dân, song người dân phàn nàn họ rất ít khi được Chủ tịch tỉnh tiếp; hoặc nếu có thì nhiều việc qua loa, chiếu lệ, không thỏa đáng. 

Thời gian gần đây, một số cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân địa phương đã kịp thời xử lý nhiều vụ khiếu kiện gay gắt, tập trung đông người. Nhiều cuộc đối thoại đã “hạ nhiệt” ngay lập tức “điểm nóng”, không phát sinh thêm hậu quả đáng tiếc về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó phải kể đến vụ việc ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đồng Tâm (Hà Nội), Hải Hà (Quảng Ninh), Bến Lức (Long An)...

Rõ ràng, khi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đối thoại, lắng nghe và tìm hiểu cặn kẽ tình hình ... thì mọi việc dù phức tạp mấy cũng trở nên dễ dàng tạo sự chia sẻ, ủng hộ của người dân. Nhưng đáng tiếc, phần lớn các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân chỉ diễn ra khi bức xúc xã hội lây lan, có dấu hiệu mất ổn định và xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật. 

Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân sẽ không giống các đợt tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử và sẽ khác với các buổi tiếp công dân định kỳ. Bởi đối thoại không chỉ là trách nhiệm gần dân, trọng dân, “lắng nghe tâm trạng nhân dân” của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mà còn là cách làm hiệu quả để phòng chống quan liêu, mệnh lệnh; tránh chỉ nghe thông tin một chiều qua báo cáo và các cuộc họp triền miên. Chẳng thế mà lâu nay ở không ít địa phương, có Đảng bộ, chi bộ liên tục đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh toàn diện”; nhiều đảng viên đạt danh hiệu “đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” - trong khi những bức xúc, khiếu nại, tố cáo có cơ sở của người dân vẫn kéo dài năm này qua năm khác, thậm chí từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác ... không được giải quyết. 

Do vậy, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân cần phải trở thành hoạt động thường xuyên, không đợi đến khi bùng phát thành “điểm nóng”. Thực tế đã chứng minh: Các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội tăng đều hằng năm, mà niềm tin sụt giảm, “điểm nóng” lây lan, thì mọi chủ trương, nghị quyết đúng đắn cũng vẫn chỉ là khẩu hiệu./.