Chiều nay (7/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017.

Cơ bản đồng tình với các báo cáo, tuy nhiên đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng sẽ là thiếu sót và đương nhiên không có biện pháp khắc phục tương ứng nếu chưa nhìn nhận việc thiếu sâu sát, thiếu gần dân, không lắng nghe và đối thoại với nhân dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo vừa qua.

Các báo cáo và chuyên đề nghiên cứu đã chỉ ra hầu hết vụ việc phức tạp, điểm nóng phát sinh từ cơ sở. “Việc trong dân thì xảy ra hàng ngày, có việc nhỏ, việc lớn, có việc bức xúc, phức tạp. Vấn đề là cán bộ có sâu sát, gần dân, nắm bắt các vấn đề, lắng nghe, chia sẻ, đối thoại và giải quyết vấn đề của dân ngay ở cơ sở khi vụ việc mới manh nha hay không” – đại biểu nói.

vov_ngo_duy_hieu_ha_noi_tjgp.jpg
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu phát biểu trên Hội trường chiều 7/11

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cũng dẫn chứng câu chuyện ông Nguyễn Phú Cường – Bí tư Tỉnh uỷ Đồng Nai cách đây đúng một tuần đối thoại với gần 300 tiểu thương. Sau vài giờ đối thoại, chính sách, pháp luật đã được giải thích, chia sẻ, vụ việc cơ bản khép lại sau 11 năm. Nhiều vụ việc cũng được giải quyết sau những buổi đối thoại như thế ở một số địa phương.

Đó là thành công của đối thoại trong vụ việc phức tạp, điểm nóng. Còn đối thoại chủ động khi chưa có điểm nóng thì thế nào? Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đặt vấn đề và nêu ví dụ khi Hà Nội rà soát các điểm nóng về khiếu nại, tố cáo thì thấy có địa phương không có vụ việc nào như ở huyện Phúc Thọ, dù trước đây địa bàn có nhiều điểm nóng, phức tạp. Lý do là huyện tổ chức đối thoại đều đặn trong nhiều năm trở lại đây.

Cũng theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đối thoại còn là dịp thử thách bản lĩnh, phẩm chất, năng lực cán bộ. Người năng lực yếu, bản lĩnh không cao, không nắm chắc công việc thì rất sợ đối thoại với dân. Cán bộ thiếu rèn luyện không dám đối thoại vì sợ buổi đối thoại có thể là diễn đàn để người dân phê bình, tố cáo cán bộ, thậm chí với chính người đang chủ trì buổi đối thoại.

“Đối thoại không mất nhiều tiền và thời gian, nhưng lợi ích mang lại làm dân yên, dân tin và dân ủng hộ thì việc gì cũng thành công. Biết là vậy nhưng nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều cán bộ của ta vẫn xa dân, không chịu lắng nghe dân, không đối thoại với dân làm dân bức xúc, nhiều việc nhỏ thành việc to, điểm nóng” – đại biểu nói.

Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị chỉ đạo thực hiện nghiêm lịch tiếp công dân của người đứng đầu, có hình thức xử lý khi vi phạm và coi đây là một trong những nội dung công tác cần kiểm điểm trong thực hiện nhiệm vụ chức trách được giao...

Ở góc độ khác, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh cần phát huy hoà giải cộng đồng. Bởi nhiều trường hợp cho thấy vướng mắc ban đầu không lớn nhưng lại dần đẩy đến cực đoan khi cha con kiện nhau, hàng xóm khiếu nại nhau chỉ vì lối đi... Nếu cứ dùng lý lẽ để bắt bẻ nhau thì chưa chắc rạch ròi, trong khi việc hoà giải khởi dậy tinh thần “chín bỏ làm mười” và có khi giải quyết nhanh hơn các quyết định hành chính.

Đại biểu Trần Văn Lâm

“Vấn đề ở cơ sở cần được giải quyết ở cấp có thẩm quyền đầu tiên. Mọi đám cháy đều bắt nguồn từ đốm lửa, giải quyết ngay từ đầu cũng hạn chế được việc khiếu nại vượt cấp” – đại biểu Lâm nói.

Nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng là an dân, đại biểu Nguyễn Văn Lâm cho rằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải “đạt lý thấu tình”. Và “cái tình” đó chứa đựng trong mỗi ánh mắt, lời nói, hành động và giao tiếp của cán bộ công chức; là cách giải quyết tận cùng vấn đề, làm hết trách nhiệm chứ không chỉ hết thẩm quyền vì lợi ích chính đáng của người dân./.