Sáng 22/8, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên thứ 10, cho ý kiến về dự thảo báo cáo giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND.

Vấn đề giám sát là chủ đề được dư luận và nhân dân rất quan tâm, bởi đây là loại án người dân kiện chính quyền và người đứng đầu chính quyền. Theo kết quả giám sát, trong 3 năm 2015 - 2017 cả nước có 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện đến toà án, chiếm khoảng gần 10% trên tổng số khiếu nại hành chính.

Qua xét xử, tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị toà án tuyên huỷ toàn bộ hoặc một phần là 1.194. Có những địa phương tỷ lệ bị tuyên huỷ chiếm tỷ lệ khá cao như An Giang 81%, Quảng Nam 55,76%...

le_thi_nga1_iheb.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Một đánh giá đáng chú ý là tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia phiên toà có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Có những địa phương, chủ tịch UBND làm văn bản uỷ quyền thường xuyên cho phó chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên toà nào.

Có những địa phương, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của toà án, chủ tịch hoặc phó chủ tịch được uỷ quyền có văn bản gửi toà án được đề nghị vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà toà án triệu tập.

Bên cạnh đó, có những địa phương, số lượng án hành chính lớn nhưng chủ tịch và người đại diện UBND vẫn bố trí tham gia tố tụng nghiêm túc. Ngược lại, có nơi lượng án rất ít nhưng chủ tịch và người đại diện thường xuyên xin vắng, thậm chí có tỉnh vắng 100% số vụ.

“Lẽ ra phải là những người gương mẫu nhất thì nhiều chủ tịch tỉnh, UBND tỉnh lại chây ì trong thi hành án”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh. Đến thời điểm hiện nay, báo cáo của Chính phủ cho biết còn 36 bản án, quyết định chưa được Chủ tịch UBND và UBND thi hành. Việc này dẫn đến bức xúc, khiếu kiện.

Đoàn giám sát nhấn mạnh, đối tượng phải thi hành án loại này là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Đoàn giám sát đề nghị cần làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời cần tiếp tục có biện pháp đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định của hành chính của toà án đã có hiệu lực pháp luật./.