Chuyện bé Trang Văn Minh (ở Bắc Cạn), một cháu bé 4 tuổi bị ong đốt gần 100 vết đứng giữa ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, đã được các bạn trẻ tình nguyện Hà Nội kêu gọi ủng hộ và kịp thời đưa cháu về Hà Nội để cấp cứu, trả lại sự sống cho cháu, đã làm nhiều người cảm động. Việc làm của các bạn trẻ làm cho cuộc sống thêm ấm áp, làm cho nhiều người thấy vững tin hơn về những điều tốt đẹp vẫn đang hiện hữu.

Thật cảm động khi hầu hết những bạn tình nguyện này đều còn rất trẻ, người đang là sinh viên, người vừa tốt nghiệp Đại học nhưng họ đã có những suy nghĩ, cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, về sự sẻ chia giữa con người với con người. Họ sẵn sàng nhịn ăn, quyên góp phần lớn những đồng tiền chật vật mới kiếm được của mình để giúp một cháu bé đang hồi nguy kịch. Hàng ngày, hàng đêm họ thay nhau ở trong bệnh viện để giúp đỡ bố mẹ cháu bé. Họ bồn chồn, lo lắng ngóng chờ thông tin về cháu bé như chính của người thân mình vậy.

12-a-1.jpg
Bữa cơm của các bạn trẻ tình nguyện Hà Nội với đôi vợ chồng người Mông (bố mẹ cháu bé) làm cho nhiều người thấy cuộc sống này ý nghĩa và ấm áp biết bao

Được vào chứng kiến bữa cơm của họ với đôi vợ chồng người Mông (bố mẹ cháu bé), mới thực sự thấy cuộc sống này ấm áp biết bao. Chỉ manh chiếu nhỏ rải ở một góc khuất của bệnh viện, những bạn tình nguyện cùng bố mẹ cháu bé ăn những bữa cơm đạm bạc do chính các bạn nấu đem vào. Đối với đôi vợ chồng người dân tộc lần đầu tiên xuống Hà Nội, tiền không có, tiếng phổ thông không thạo thì những bữa cơm và sự chăm sóc của các bạn trẻ tình nguyện thực sự là cứu cánh đối với họ.

Những tình nguyện này đều còn rất trẻ, hầu hết chưa lập gia đình, họ lo lắng, chăm chút gia đình cháu bé như chính gia đình của họ. Khi bé Minh đã hồi phục và bắt đầu ăn được, họ lên “thực đơn” chi tiết cho cháu bé như những ông bố, bà mẹ đảm đang. Nào là giờ nào bé Minh ăn sáng, giờ nào uống sữa, giờ nào ăn bữa trưa, chiều và lúc nào ăn hoa quả. Thậm chí, em bé chưa bao giờ được ăn thịt nên nhất quyết không ăn, chỉ đòi ăn cơm với nước rau, thế mà các bạn cũng tự nghĩ ra xay thịt nhuyễn nấu thành canh, “lừa” bé ăn để đảm bảo sức khỏe…

Lòng tốt của các bạn trẻ Hà Nội đã tạo ra sự lan tỏa. Trong những ngày qua, có nhiều người ở Hà Nội và các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương đã tới bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, ủng hộ để cháu bé có tiền nộp viện phí điều trị lên đến cả trăm triệu đồng. Họ thấy ấm lòng khi tận mắt chứng kiến sự vất vả, chu đáo của những bạn trẻ tình nguyện Thủ đô. Một số người đến thăm cháu bé, khi ra về đã tâm sự rằng, khi đến đây, họ được tiếp thêm niềm tin về cuộc sống- một thứ mà với nhiều người giờ đã trở nên rất xa xỉ trong xã hội hiện nay.

Và cũng mới đây, tại chương trình “Vinh quang Việt Nam”, em Lê Văn Được, học sinh lớp 9B, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An-cá nhân nhỏ tuổi nhất được tôn vinh, khi được hỏi vì sao lúc đó em lại cứu 5 em nhỏ mà không sợ hiểm nguy đến tính mạng, không sợ cha mẹ đau lòng nếu có chuyện không hay xảy ra, Được đã rất hồn nhiên chia sẻ rằng: “Lúc đó em chẳng nghĩ gì hết, chỉ sợ nếu em không kịp cứu thì các bạn chết mất”.

Câu trả lời của Được khiến nhiều người cay mắt bởi ở con người của em, việc làm cao đẹp đó được xuất phát từ chính cái tâm vô cùng trong sáng của một con người mà bản tính thiện vẫn còn nguyên sơ như những gì tạo hóa ban tặng. Ngay đến cả tính mạng của mình, đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, Được cũng không hề mảy may toan tính.

Giá mà, ở đâu cũng có những việc làm nhân nghĩa như vậy thì cuộc sống này ấm áp và tốt đẹp biết nhường nào.

Nhưng cũng thật buồn, bởi trong những ngày qua, nhiều sự việc đau lòng xảy ra ở nhiều nơi, người ta tự tước đoạt tính mạng của người thân, của chính bản thân mình chỉ vì những chuyện không đâu.

Anh em (ở làng Đồng Bào, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) chỉ vì mâu thuẫn tức thời trong chuyện nuôi chim cảnh cũng có thể nhảy xuống sông tự tử, để rồi chỉ trong chốc lát, hai mạng người đã vĩnh viễn rời xa cuộc đời. Rồi chỉ vì không yêu được nhau, họ có thể nhẫn tâm hạ sát người yêu và kết liễu luôn cả cuộc đời mình…

Tính mạng của con người nhiều khi quá rẻ rúng, thậm chí được đem ra để “đánh đổi” với mạng một con vật.

Thật rùng mình khi có những người đã bỏ mạng trong các vụ trộm chó thời gian vừa qua. Mới hôm qua, hai kẻ trộm chó ở xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Lộc đã thiệt mạng khi bị dân xua đuổi, cùng đường đã phải lao xuống sông Mã (Thanh Hóa) và chết đuối. Và còn rất nhiều vụ người dân tự hành xử trộm chó, cả làng sẵn sàng xông vào đánh chết, đốt xe của những kẻ được gọi là “cẩu tặc”. Thậm chí, họ còn ngăn cản, chống trả cảnh sát, không cho xe cứu thương tiếp cận nạn nhân... Giết xong một mạng người, cả làng hỉ hả, phấn khích.

Không chỉ đánh chết "cẩu tặc", đám đông người dân còn ngăn cản công an thực thi nhiệm vụ 

Những hành động ngông cuồng của đám đông làm nhiều người trăn trở, day dứt. Con người có thể hành xử với nhau ác đến mức đó sao?

Họ có bao giờ nghĩ rằng, hành động “man rợ” của chính họ sẽ khắc sâu vào đầu con, cháu mình một ấn tượng không mấy tốt đẹp và khi lớn lên chúng sẽ hành xử y như vậy, hoặc có thể sẽ nhẫn tâm hơn.

Đó còn là biểu hiện coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người khác.

Từ hành động này cũng cảnh tỉnh sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân cũng như sự mất lòng tin của họ vào sự nghiêm minh của pháp luật. Điều này cũng đặt ra nhiều suy nghĩ cho các cơ quan công quyền, thực thi pháp luật.

Những vụ trộm chó vẫn diễn ra ngày càng nhiều và tính mạng của nhiều kẻ trộm vẫn do người dân định đoạt lại càng làm người ta lo ngại về sự vắng mặt của công lý.

Chưa có “cẩu tặc” nào bị ngồi tù, bị xử nghiêm và sự hành xử mang tính chất “bầy đàn” của người dân vẫn còn bị để ngỏ trước các cơ quan pháp luật.

Không biết đến bao giờ, những vụ việc đau lòng như vậy mới chấm dứt?./.