Theo tâm lý bình thường của một đứa trẻ lên 6, nó sẽ rất sợ hãi khi người bị người lớn đe dọa, vì thế hành động của bé Khang cho thấy sự gan dạ của một cậu bé mới 6 tuổi. Ở tuổi này, chắc chắn bé làm theo bản năng nhiều hơn, đó là một bản năng hướng thiện, vô cùng trong sáng và đơn giản: Tốt thì phải bảo vệ, xấu thì phải vạch trần. Cháu chưa đủ lớn để nghĩ đến việc có thể bản thân sẽ bị nguy hiểm, mà chỉ biết rằng phải ngăn chặn được việc làm xấu xa của kẻ lừa đảo.
Cũng trong những ngày qua, trái ngược với việc làm trong sáng, dũng cảm của cháu bé 6 tuổi là hành động “ăn bớt” vaccine của nhân viên y tế tại phòng tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), làm dư luận phẫn nộ.
Khi nghe những thông tin này, nhiều người làm cha, làm mẹ hốt hoảng vì không biết con mình đã được tiêm phòng như thế nào, liệu có rơi vào trường hợp như cháu bé-con của anh Dương Thái Lam hay không. Có ông bố, bà mẹ nào lại nghĩ đến chuyện các “lương y” nhẫn tâm “ăn bớt” vaccine của cả những cháu bé, để mà đề phòng. May mà còn có những người như anh Lam thì sự việc mới được phanh phui, mặc dù đã từ lâu người ta cũng phong thanh về chuyện “ăn bớt” vaccine nhưng chưa có bằng chứng cụ thể. Ngoài cháu bé nhà anh Lam, đã có bao nhiêu cháu đã bị ăn bớt vaccine thì đến nay cũng không thể khẳng định được.
Và không khỏi lo lắng sao được khi chính ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và các chuyên gia y tế khẳng định, tiêm chủng vaccine là biện pháp phòng bệnh tốt nhất và khi tiêm đủ liều mới đảm bảo lượng kháng nguyên để kích thích cơ thể sinh ra kháng thể.
Thật nhẫn tâm khi người ta ăn bớt vaccine của trẻ, nhưng chẳng ai hay biết. Cha mẹ các cháu vẫn đinh ninh con mình được bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất, trong khi các cháu không có sức đề kháng vì tiêm không đủ liều. Và cũng dám chắc rằng, với một lượng thuốc “không có tác dụng phòng bệnh” như vậy khi tiêm vào cơ thể, liệu có gây ra tác dụng ngược đối với sức khỏe của trẻ?
Nhiều người cũng không thể không đặt ra câu hỏi, đây chỉ là hành động mang tính cá biệt hay việc “ăn bớt” thuốc ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã có tính hệ thống, vì ngoài vỏ thuốc tiêm cho con anh Lam ra, còn 2 vỏ thuốc cũng trong tình trạng tương tự.
Không chỉ chờ câu trả lời Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, người dân cũng rất quan tâm đến sự vào cuộc của Bộ Y tế và Bộ trưởng Y tế. Bởi lâu nay, ngành Y tế đã và đang quyết tâm dẹp những tiêu cực, nhưng sự việc như thế này và tình trạng nhũng nhiễu bệnh nhân ở nhiều bệnh viện vẫn chưa có hồi suy giảm.
Được làm cha mẹ là một thiên chức vô cùng thiêng liêng, họ có thể hy sinh tất cả cho những đứa con. Những đứa trẻ khỏe mạnh là niềm vui, động lực vô bờ bến đối với họ. Bà Bùi Thị Phương Hoa chắc cũng không phải là ngoại lệ. Vậy mà, chỉ vì lóa mắt bởi đồng tiền, bà đã nhẫn tâm chà đạp lên tình cảm thiêng liêng, sẵn sàng “ăn bớt” vaccine của các bé, mà không nghĩ đến hậu quả, rất có thể sẽ rất khôn lường. Trong môi trường nhiều ô nhiễm và dịch bệnh như hiện nay, tiêm vaccine không đủ liều có thể khiến các bé dễ dàng nhiễm phải bất cứ một loại bệnh nào.
Mặc dù Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng đã có thông báo về việc xử lý kỷ luật bước đầu đối với y sỹ Hoa và vẫn đang tiếp tục họp tìm hình thức kỷ luật, nhưng tôi lại có một ý nghĩ rằng: Không cần có bất cứ hình thức kỷ luật nào đối với y sĩ Bùi Thị Phương Hoa, mà chỉ cần đưa cho bà ta đọc bài báo về lòng dũng cảm của cậu Nguyễn Ngọc Khang từ chối nhận “hối lộ”, dũng cảm giúp công an vạch mặt kẻ lừa đảo.
Nếu còn chút lương tâm, bà ta sẽ cảm thấy xấu hổ và sẽ biết sửa mình. Một cháu bé 6 tuổi mà còn biết phân biệt được đâu là việc thiện, việc ác, từ chối “hối lộ” của kẻ xấu trong khi nhà cháu rất nghèo, cha mẹ phụ quán ăn, giúp việc cho vựa ve chai… để kiếm tiền nuôi đàn con ăn học. Vậy mà, bé Khang đã không làm như thế.
Trong khi đó, một người đáng tuổi mẹ của bé lại đang làm cái trò xấu xa là “ăn bớt” vaccine của những em bé mà không cần quan tâm đến sức khỏe, tính mạng của các em./.