Mấy hôm nay, báo chí liên tục đưa tin về chuyện "chặt chém" khách du lịch. Những lái xe taxi, xích lô và những nhà hàng “chém đẹp” du khách đã bị các cơ quan chức năng vào cuộc, bị phạt và phải xin lỗi du khách. Thậm chí, quan chức đứng đầu ngành Du lịch đã đến tận nơi ở của hai mẹ con khách du lịch nước ngoài bị người đạp xích lô “chém” 1,3 triệu đồng để xin lỗi và tặng họ một chiếc bình gốm dân tộc. Nhiều người hỉ hả vì kẻ xấu bị xử lý, vì cách ứng xử văn minh của người đứng đầu ngành du lịch, nhưng tôi cứ day dứt một nỗi buồn…

Tôi lẩn thẩn nhớ về ngôi nhà của gia đình mình cách đây gần 40 năm. Ngày ấy, nhiều nhà phải lợp bằng giấy dầu. Và qua năm tháng, lớp giấy dầu nó tự mục ra, cứ thủng lỗ chỗ. Tôi nhớ mãi hình ảnh vào một hôm mưa bão, bố tôi leo lên mái nhà để bịt các lỗ thủng để cho anh em tôi khỏi ướt. Nhưng cứ bịt được chỗ này, lại thấy chỗ khác thủng. Và cuối cùng, bố tôi đành thở dài chịu thua giời, tấm giấy dầu đã bị mục nát, các lỗ thủng kia không thể che đậy hết được...

Những chuyện không hay ho gì của ngành du lịch cũng như những lỗ thủng gặp mưa trên mái nhà tôi ngày trước.

317019_412.jpg
Tài xế xích lô "chặt chém" khách du lịch nước ngoài đi 5km phải trả 1,3 triệu đồng (ảnh: VNE)
Liệu rằng, sau đây, ai dám khẳng định là không có những vụ tương tự như vậy xảy ra. Và nếu những du khách này không lên tiếng, thì chắc Việt Nam vẫn là một “điểm đến lý tưởng với du khách” như câu khẩu hiệu vẫn chăng đầy trên các con phố, khu du lịch.

Tôi cũng từng có dịp công tác tại Hàn Quốc và cũng đã từng cầu trời cho mình chuyến đi được an toàn vì nếu có chuyện gì xảy ra chúng tôi cũng không xử lý như thế nào ở nơi “đất khách, quê người” , mọi thứ đều lạ lẫm. Và thật may mắn cho chúng tôi khi được đến một vùng đất khá lý tưởng cho khách du lịch, không chỉ có nhiều cảnh đẹp, mà ứng xử của con người nơi đây thực sự níu giữ bước chân chúng tôi.

Lần đầu tiên đi tàu điện ngầm ở nước ngoài, phải chuyển ga liên tục cũng làm chúng tôi khá bối rối và liên tục phải hỏi thăm đường. Và lần nào hỏi thăm, chúng tôi cũng được những người dân nơi đây vui vẻ, nhiệt tình chỉ dẫn, thậm chí có người còn lỡ tàu vì phải dẫn chúng tôi tìm đường.

Tại ga tàu điện ngầm, như đã thành mặc định, mọi người xếp hàng trật tự, không có sự xô đẩy, chen lấn, mặc dù lượng người cũng đông không kém ở các bến ga, bến tàu ở Việt Nam trong những ngày Lễ, Tết. Trên tàu, người già được người trẻ nhường ghế ngồi.

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh một cháu bé 10 tuổi khi được mời ngồi xuống hàng ghế hàng dành cho người già, người tàn tật vì còn nhiều ghế trống, nhưng cháu nhất quyết không ngồi, chỉ đơn giản là không phải là ghế dành cho cháu.

Một lần chúng tôi đi mua sắm đồ ở một con phố du lịch ở Hàn Quốc và thực sự bất ngờ về cách ứng xử của những người dân Hàn trên con phố này. Một người bạn của tôi mua một chiếc túi và ra trả tiền ở khu vực thanh toán lúc ấy có khá nhiều khách hàng. Chắc có sự nhầm lẫn, bạn tôi đã nhận hóa đơn thanh toán nhưng tiền vẫn ở trên tay. Bạn cố gắng giải thích rằng, cô bán hàng đưa hóa đơn mà chưa nhận tiền, nhưng đổi lại là lời khẳng định rằng: “Nếu có hóa đơn nghĩa là bạn đã trả tiền rồi, nên bạn không phải băn khoăn”.

Bạn tôi thuyết phục mãi cô ấy vẫn không nhận tiền, bởi chỉ nhận tiền của khách một lần. Chỉ đến khi người chủ cửa hàng kiểm kê lại toàn bộ số tiền bán hàng trong ngày, đúng là thiếu số tiền này thì họ mới chịu nhận lại. Lúc này cô bán hàng và cả chủ cửa hàng cúi đầu xin lỗi bạn tôi và giải thích họ bị nhầm lẫn, mong được thông cảm.

Lúc ấy, tôi có mong ước viển vông rằng, nếu ở Việt Nam cũng có lối ứng xử với khách du lịch như thế, chắc chắn ngành Du lịch sẽ không mãi kém phát triển như thế này. Rồi không phải mỗi năm lại loay hoay với việc tìm kiếm Đại sứ du lịch và tốn kém biết bao nhiêu tiền của.

Thực sự, đến nhiều người ở trong nước, bây giờ còn “ngán” đi du lịch trong nước vì hiếm còn điểm du lịch nào an toàn về mọi mặt, từ môi trường, cảnh quan đến dịch vụ…

Ở khắp nơi trên đất nước, đâu đâu cũng thấy sông suối, ao hồ bị ô nhiễm, ngay như cả những nơi mà từ trước đến nay được xem là điểm du lịch lý tưởng như Đà Lạt, Hà Nội, Chùa Hương, Tam Cốc, Bích Động… thì giờ đây, nhiều ao hồ, sông, suối ở những nơi này đang bị ô nhiễm nặng nề.

Nhiều danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc bị trùng tu, tôn tạo, tô vẽ một cách vô tội vạ với những hình thù kỳ dị, màu sắc lòe loẹt, chẳng theo một kiến trúc nào. Thậm chí, đến cả chốn linh thiêng là cửa Phật, cũng bị người ta thỏa sức trang trí, tô điểm và phải “đèo bòng” cả tên tuổi, cả ảnh gia đình các đại gia lắm tiền nhiều của…

Thay vì đi tìm một “Đại sứ du lịch”, vì sao ngành Du lịch không tìm cách để xây dựng lại căn cốt bên trong đang ngày càng xuống cấp, trong đó quan trọng nhất là cách ứng xử, hình ảnh của con người đối với văn hóa, đối với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.

Một khi con người có ứng xử văn minh, văn hóa với danh tích và đối với chính con người, thì chẳng phải tìm “Đại sứ du lịch” ở đâu xa, mà ngay chính mỗi con người đã là một Đại sứ du lịch.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, ngành du lịch đừng mất công tìm kiếm sự hào nhoáng bên ngoài mà hãy bắt tay làm ngay những việc cần thiết để giữ lại căn cốt khỏe mạnh khi chưa quá muộn!./.