Những năm qua, “bệnh lạ” bùng phát ở tỉnh Quảng Ngãi và một vài địa phương khác làm ngành Y tế và các nhà chuyên môn đau đầu. Đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân để có phác đồ chữa trị tận gốc căn bệnh này.
Khi mà “bệnh lạ” thuần túy về mặt y học vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị thì mới đây, người ta còn phát hiện ra một loại bệnh lạ còn “lạ” hơn rất nhiều, đó là bệnh về ý thức, về tư tưởng. Và nguy hiểm hơn là căn bệnh này xuất hiện ở khoảng 30% trong số 2,8 triệu cán bộ, công chức của cả nước- lực lượng được gọi là trí thức trong xã hội. Đó là bệnh “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” mà hầu như cơ quan Nhà nước nào cũng có và báo chí cũng đã không ít lần lên tiếng.
Gọi là “bệnh lạ” nhưng lại âm ỉ từ rất lâu, dễ đến hàng chục năm nay và ngày càng phát tác mạnh. Được xếp vào loại “bệnh lạ” vì đến nay cũng chưa có phương thuốc nào trị tận gốc căn bệnh này.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, nhiều cơ quan, đơn vị đã có các hoạt động triển khai. Liên tiếp các cơ quan, đơn vị có chỉ đạo để siết lại giờ giấc, hiệu quả làm việc của cán bộ công chức. Cách đây mấy ngày, tỉnh Quảng Trị thực hiện chủ trương ghi hình những cán bộ vi phạm để phát lên sóng Đài phát thanh truyền hình tỉnh; Bộ Tư pháp cũng đã có quy định cấm công chức uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa.
Những động thái ban đầu của các cơ quan, đơn vị đối với cán bộ, công chức đã phần nào khởi động việc “nói không” với kiểu cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Đây cũng là động thái cho thấy nhiều nơi bắt đầu “dị ứng” với “bệnh lạ” trong cán bộ, công chức và có quyết tâm chữa trị căn bệnh này.
Nhưng căn bệnh nào cũng vậy, muốn chữa trị tận gốc đều phải tìm được nguyên nhân và tác nhân gây bệnh, để từ đó mới có phương thuốc chữa trị cả về triệu trứng và bệnh chứng.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong một cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ rằng, hiện có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào. Trên thực tế, con số này có lẽ còn lớn hơn nhiều.
Lý do có nhiều công chức, cán bộ “ăn không, ngồi rồi” ngoài ý thức, trách nhiệm của từng người đối với công việc, còn do việc tuyển dụng, môi trường làm việc trong các cơ quan Nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
Một số nơi còn chưa thực sự tuyển dụng người tài, người có năng lực thực sự mà còn tuyển dụng theo kiểu “quen biết”, “con ông cháu cha”… Hoặc có tuyển dụng được người tài, có năng lực thì lại chưa có cơ chế thực sự để trọng dụng họ. Thật buồn khi mỗi năm có hàng trăm Thủ khoa ở các trường Đại học tốt nghiệp ra trường, nhưng có rất ít các em lựa chọn cơ quan Nhà nước để làm việc. Số ít những em lựa chọn cơ quan Nhà nước vì những hứa hẹn ban đầu thì cũng chỉ sau 2-3 năm, các em lại phải “khăn gói” ra đi vì không thể nào thích nghi được với môi trường làm việc kiểu “hành chính hóa”.
Có một số thủ khoa, cử nhân Đại học khi rời cơ quan Nhà nước đã cay đắng nói rằng: “Em không thể nào quen được với việc trong cả một năm trời khi mới vào cơ quan, nhiệm vụ chính là pha trà và xếp dọn. Vì em nhỏ tuổi nhất trong phòng, không làm việc đó thì không được. Và khi vào việc, những ý tưởng của em luôn bị cho là “vượt mặt” hoặc “chưa đủ tầm”…
Trong một lần đi công tác ở Hàn Quốc, được chứng kiến sự hăng say làm việc của các nghiên cứu sinh, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, chúng tôi thực sự ngạc nhiên vì ở trong nước, ít có nơi nào cường độ làm việc cao như vây. Giờ làm việc của họ bắt đầu từ 6-7h sáng cho đến 10-11h đêm, nhưng ai cũng phấn khởi, hăng hái hoàn thành công việc. Họ cho rằng, được làm việc trong môi trường như ở đây, họ luôn có động lực để cống hiến, đó là mọi người đều phải hoàn thành công việc của mình và thu nhập được căn cứ vào chất lượng công việc. Ai không làm được thì tự loại mình ra khỏi bộ máy làm việc. Đó là quy luật mà ai cũng coi đó là hiển nhiên.
“Còn ở nước ta, nếu anh không làm việc, anh vẫn được hưởng đủ lương, thậm chí nếu là cán bộ thì lương lại còn rất cao. Cuối năm dù không làm gì thì ông cán bộ ấy vẫn được đầy đủ danh hiệu nào là lao động giỏi, chiến sĩ thi đua… Mà cũng chưa có cơ quan nào có ngoại lệ sa thải cán bộ, công chức không làm gì. Còn ngay cả bản thân tôi, sau 4-5 giờ chiều, nghe điện thoại của bạn bè đi uống bia là bỏ hết công việc, mọi người đều thế, mình không thế không được. Sang bên này thì khác hẳn, không bao giờ có chuyện đó xảy ra”.
Than thở của một số nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc cũng phần nào phản ánh đúng thực trạng ở nhiều cơ quan Nhà nước hiện nay. Một số nơi, Nhà nước đang phải nuôi “báo cô” nhiều cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” một cách vô điều kiện, thậm chí có nơi phải “trọng đãi” họ, vì họ là cán bộ. Và nguy hiểm hơn, cũng vì là cán bộ, là đầu tầu nên họ đang cản trở rất nhiều sự chuyển động của cả đoàn tàu.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và một loạt hành động của các tỉnh, thành trong việc siết lại kỷ cương làm việc của cán bộ, công chức cho thấy nhiều nơi đã nhận ra tác hại ghê gớm của loại “bệnh lạ” này và bắt đầu tuyên chiến với nó.
Chỉ mong rằng, việc trị căn bệnh này phải thực sự được triển khai quyết liệt, đồng bộ để “bệnh lạ” không có cơ hội “nhờn thuốc”./.