Sự sẻ chia và nghị lực phi thường của Nick sẽ là động lực để những người không may mắn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Thật cảm động khi một cháu bé 8 tuổi bị dị tật “không chân, không tay” ở Yên Bái khi nghe tin Nick Vujicic đến Việt Nam, cứ nhất định đòi mẹ cho đến gặp “thần tượng” bằng được để “học theo chú Nick”. Và qua những thông tin đầu tiên trên VOV online, cháu bé “không chân, không tay” đã thực hiện được điều cháu mong ước.
Còn với hàng triệu người khác, được gặp Nick cũng là điều họ khao khát. Tuy vậy, nhìn các fan hâm mộ Nick Vujicic sục sôi khi tìm mọi cách để liên hệ, lùng sục mua vé để được tham dự buổi giao lưu với Nick, không hiểu sao tôi lại thấy không vui. Giá mà những người khuyết tật ở Việt Nam có được sự quan tâm như đối với Nick Vujicic, có lẽ cuộc sống của họ đã tốt hơn nhiều.
Mới cách đây mấy hôm, mẹ bé gái 8 tuổi “không chân, không tay” Linh Chi còn nước mắt vắn dài lo lắng rằng, chị muốn cho con về Hà Nội gặp Nick, nhưng lại không biết làm thế nào để che chắn cho con trong suốt chặng đường từ Yên Bái xuống Hà Nội bởi những ánh nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí là kỳ thị của một số người.
Dù lên 8 tuổi, nhưng bé Linh Chi ít khi được ra khỏi nhà như nhiều bạn nhỏ cùng trang lứa khác, cũng bởi mỗi khi ra đường, nhiều người lại buông những lời độc ác làm tổn thương bé, làm tan nát cõi lòng những người làm cha, mẹ.
Không chỉ có bé Linh Chi, mà nhiều người khác có con bị khiếm khuyết, họ tâm sự rằng có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, chỉ mong có được hai chữ “bình yên”, nhưng điều đó đối với họ thật quá khó. Bởi trong xã hội, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật vẫn đeo đẳng.
Tôi còn nhớ mãi lần đi viết loạt bài về trẻ tự kỷ, chị Mai Anh, mẹ của một cháu bé tự kỷ tâm sự rằng, mọi khó khăn chị đều cố gắng chịu đựng và vượt qua. Nhưng có nỗi đau mà dù đã 10 năm nay, dù vật lộn cùng nó nhưng chị không thể vượt qua được. Đó là sự kỳ thị, dò xét của một số người hiếu kỳ. Có những lúc con chị xuất hiện thì có những cánh tay chỉ trỏ và buông những lời phán xét vô cảm. Một lần người mẹ đau khổ đưa con đến xin học ở một trường tiểu học công lập. Sau khi đã đến nhà riêng Hiệu trưởng để nói rõ bệnh tình của con mình, nhà trường đồng ý nhận cháu vào học. Khi ra về, vô tình chị đi ngang qua phòng của con gái ông hiệu trưởng, thấy mỗi khi con chị lại gần, cô bé ấy lại đẩy bé ra như sợ lây bệnh truyền nhiễm. Chị đã không bao giờ quay lại nơi này thêm một lần.
Nhiều người còn vô cảm lướt qua khi gặp những người tàn tật trên đường, thậm chí quát mắng khi họ làm vướng chân. Nếu ai hay đi qua đường Giải Phóng, sẽ thường xuyên gặp một đôi vợ chồng mù dắt díu nhau đi bán chổi. Nhưng hầu như ít ai quan tâm đến họ, mọi người vẫn cứ lướt qua và hai vợ chồng người bán chổi vẫn dò dẫm từng bước trên con đường dài.
Tôi khâm phục vô cùng nghị lực và ý chí kiên cường của Nick, nhưng vẫn thấy nếu so với những người khuyết tật ở Việt Nam, Nick may mắn hơn rất nhiều. Ít nhất là Nick được sống trong một môi trường xã hội tốt hơn.
Đã hàng chục năm nay, hàng vạn người khuyết tật thấp thỏm chờ đợi, thấp thỏm hy vọng vì đã có nhiều văn bản đề cập đến việc xây dựng các công trình, phương tiện công cộng có chú ý đến đối tượng là người khuyết tật. Nhưng rồi cũng từng ấy năm qua, đếm trên đầu ngón tay có bao nhiêu công trình, phương tiện như vậy được thực hiện. Mà nếu có thì họ cũng không thể sử dụng được vì thiếu sự đồng bộ. Giống như mẹ bé Linh Chi tâm sự, chỉ vì chuyện vệ sinh ở lớp của con không có chỗ cho người khuyết tật mà chị phải thuê cả một bác giúp việc giúp con làm việc đó.
Rồi chuyện người khuyết tật được vào các cơ quan Nhà nước cũng là cả một câu chuyện dài. Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương mỗi cơ quan, doanh nghiệp nhận ít nhất 2% số người là người khuyết tật vào làm việc nhưng đã nhiều năm qua, việc thực hiện vẫn chỉ trên giấy tờ.
Đến bây giờ, dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn cảm thấy day dứt khi đã trót nói dối một người mẹ có 3 người con bị khiếm thị bẩm sinh. Các cháu đều bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Tuy 3 người con của bà đều bị khiếm thị, nhưng đều chăm chỉ và học hành đỗ đạt. Có hai cháu tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, một cháu tốt nghiệp Học viện âm nhạc.Người mẹ ấy tràn trề hy vọng khi ra trường các con của bà sẽ xin được việc làm ổn định trong các cơ quan Nhà nước. Bà đem hy vọng ấy hỏi tôi, liệu chính sách nhận 2% người khuyết tật vào cơ quan, doanh nghiệp có được thực hiện. Lúc đó, nhìn bà tràn trề niềm tin, tôi đã gật đầu. Và đến bây giờ, các con của bà ra trường đã được 3 năm và đều phải tự kiếm sống bằng những việc như bán tăm, đi hát dạo…
Và hôm nay, khi Nick sắp có cuộc giao lưu với những người khuyết tật, tôi lại càng cảm thấy một nỗi day dứt, như cái gật đầu vô cảm của tôi trước người mẹ năm nào./.