Gần 20 năm kể từ khi từ chối điệp viên 007 trong “Tomorrow Never Dies”năm 1997, gần 10 năm bất thành với đạo diễn lừng danh Oliver Stone trong dự án “Pink Ville”, tưởng chừng Việt Nam đã hết duyên với Hollywood và các nhà làm phim quốc tế. Nhưng khi “Kong: Skull Island” chọn Việt Nam là một trong ba bối cảnh chính của phim, thì đúng là “còn duyên kẻ đón người đưa”…
Việt Nam đã từng là một trong những phim trường của Hollywood và quốc tế từ hơn nửa thế kỷ trước, nhưng do những thăng trầm lịch sử mà mối lương duyên bị ngắt đoạn, nhất là từ sau năm 1975.
Mãi đến năm 1991, khi “L’Amant”- Người tình của Pháp đến Việt Nam với những cảnh quay ở Nam Bộ và TPHCM, tiếp theo năm 1992 là “Indochine”- Đông Dương lấy bối cảnh ở miền Bắc Việt Nam và Hà Nội, tưởng chừng duyên đã được nối… Nhưng năm 1997, lời từ chối không đón chào James Bond của Hollywood đã lại thêm một lần lương duyên đứt đoạn ngậm ngùi.
Thăng trầm
“Duyên” Việt Nam với Hollywood không chỉ từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975, mà trước đó, năm 1957, lần đầu tiên phương Tây biết hai chữ "Việt Minh" qua bộ phim "China Gate"- Cổng Trung Hoa của đạo diễn Samuel Fuller, kể câu chuyện xảy ra ở biên giới Trung Quốc- Việt Nam.
Năm 1958, Hollywood chính thức kết duyên với Việt Nam và Đông Dương qua bộ phim "The Quiet American"- Người Mỹ trầm lặng, chuyển thể từ tác phẩm văn học của Graham Greene. Lần đầu tiên một đoàn phim Hollywood đúng nghĩa, cùng đạo diễn lừng danh Joseph L. Mankiewicz, với hàng tấn thiết bị làm phim hiện đại vào thời ấy đã “đổ bộ” đến Sài Gòn để quay bộ phim này.
Vài năm sau một đoàn phim Hollywood khác lại đến, và quay hoàn toàn ở Miền Nam Việt Nam, phim "A Yank in Vietnam" của đạo diễn Marshall Thompson. Khi phim này công chiếu năm 1964, cũng là lúc những người lính Mỹ lần đầu đặt chân đến Đà Nẵng , mở ra một chương bi thảm khốc liệt mang tên “Chiến tranh Việt Nam”.
Chiến tranh Việt Nam là một đề tài “nóng” của Hoolywood, đặc biệt là sau ngày 30/4/1975. Theo một thống kê nhỏ của trang Web Internet Movie Database-IMDb, trong vòng 15 năm từ 1975- 1990 có khoảng 70 phim Hollywood làm về đề tài chiến tranh Việt Nam. Hàng loạt nhà làm phim hàng đầu nước Mỹ tham gia làm phim và nhiều phim trong số đó rất nổi tiếng.
Năm 1978 là năm đánh dấu sự bùng nổ của thời kỳ hậu chiến tranh Việt Nam với 4 phim công chiếu: "Good Guys Wear Black" và"Go Tell the Spartans" của đạo diễn Ted Post, đặc biệt"Coming Home"- Hồi hương của đạo diễn Hal Ashby, và "The Deer Hunter"- Người săn nai của đạo diễn Michael Cimino.
Oscar 1978 là lần duy nhất trong lịch sử mà phim về một chủ đề (Chiến tranh Việt Nam) được tôn vinh gần như tuyệt đối, khi thống trị hầu hết những giải quan trọng: "The Deer Hunter" đoạt 5 giải Oscar (Phim hay nhất, Đạo diễn, Nam diễn viên phụ, Dựng phim, Âm thanh); "Coming Home"đoạt 3 giải Oscar (Nam, Nữ diễn viên chính, Kịch bản hay nhất).
Ngoài ra hàng loạt phim về Chiến tranh Việt Nam đã gây tiếng vang lớn sau đó. Đạo diễn Francis Ford Coppola làm “Apocalypse Now”, 2 giải Oscar và Cành Cọ Vàng LHP Cannes 1979 , đạo diễn Stanley Kubrick làm “Full Metal Jacket” (1987), đoạt hàng chục giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trên thế giới, đạo diễn Oliver Stone làm bộ ba “Platoon” (1986), “Born on the Fourth of July” đoạt giải Oscar năm 1989 và “Heaven and Earth” (1993)…. “Forrest Gump” (6 giải Oscar 1994)…
Nhưng điều đáng nói ở đây là hơn 70 phim về đề tài chiến tranh Việt Nam đều không quay ở Việt Nam! Các nhà làm phim Hollywwood khi đó bởi chính sách cấm vận Việt Nam của chính phủ Mỹ đã không thể vào Việt Nam để sử dụng bối cảnh thật, mà toàn “mượn” ở Philippine, Thái Lan..
Vướng mắc
Khi lệnh cám vận của Mỹ vừa chấm dứt, thì cũng là lúc nhiều đoàn làm phim nước ngoài “ngấp nghé” vào Việt Nam. Và đi tiên phong là các đoàn làm phim Pháp.
“L’Amant”- Người tình- 1991.Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đạo diễn Jean-Jacques Annaud, kể về cuộc tình bị cấm đoán giữa thiếu nữ chưa đủ tuổi vị thành niên người Pháp với một ông chủ giàu có người Hoa. Khởi quay vào năm 1989 và hoàn thành năm 1990, đây là bộ phim phương Tây đầu tiên quay tại Việt Nam kể từ sau năm 1975. Cuối năm 1991, L’Amantđược công chiếu tại TPHCM. Việt Nam là quốc gia đầu tiên được xem bộ phim. Phim đoạt giải Cesar và giải thưởng của Hiệp hội các nhà biên tập âm thanh điện ảnh quốc tế.
“Indochine”- Đông Dương, 1992, lấy bối cảnh thập niên 1930, kể câu chuyện Eliane Devries - một chủ đồn điền cao su người Pháp, những ngày sống ở Việt Nam. Devries có con gái nuôi là người Việt. Cuộc đời của 2 người phụ nữ đã hoàn toàn thay đổi khi cùng đem lòng chàng sĩ quan hải quân Jean-Baptiste. Phim có sự tham gia của nữ diễn viên huyền thoại Catherine Deneuve, có một số cảnh quay ở Vịnh Hạ Long- Quảng Ninh, Điện Thái Hòa, Lăng Tự Đức- Huế, Tam Cốc, Bích Động- Ninh Bình. “Indochine”đoạt giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1993.
Bẵng đi thời gian khá lâu, gần 10 năm từ sau “Indochine”, thì Hollywood mới vào Việt Nam với "The Quiet American", đạo diễnPhillip Noyce(người Úc), phiên bản năm 2002. Phim là câu chuyện xoay quanh mối tình tay ba giữa Thomas Flowler, Pyle và Phượng, trên bối cảnh là cuộc chiến tranh Đông Dương đang ở giai đoạn cuối. Bộ phim được quay trải dài trên khắp dải đất hình chữ S, từ Hà Nội, Ninh Bình, Hội An, Đà Nẵng cho đến Sài Gòn.
Năm 2005, do bị từ chối bởi phim có nội dung nhạy cảm vi phạm luật của Trung Quốc, nên đạo diễn người Pháp gốc Hoa Đới Tư Kiệt đã “mượn” Việt Nam làm bối cảnh phim “ Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc”. Tam Cốc - Bích Động là bối cảnh chính của phim, phim còn được quay ở Sa Pa, Hà Tây. Phim xoay quanh cuộc tình đồng tính giữa 2 cô gái An- Ming: Con đẻ và con dâu của ông chủ vườn thuốc. Ra mắt năm 2006, phim giành nhiều giải thưởng tại LHP Montreal và Toronto, được đánh giá là một trong những phim về đề tài đồng tính hay nhất từ trước tới nay.
Nhưng đây chỉ là những phim “đặc biệt” được chấp nhận một cách “nhỏ giọt” và Việt Nam vẫn gần như “đóng cửa” với Hollywood và các hãng phim quốc tế khác.
Gần 20 năm trước, tháng 5/1997, lời từ chối James Bond trong “Tomorrow Never Dies” đã gây sửng sốt với giới làm phim châu Á bởi VN là quốc gia duy nhất không “chào đón” điệp viên 007. Năm 1999, bộ phim “Going Back” (công chiếu mang tên “Under Heavy Fire”) đã được cấp phép quay tại Việt Nam, nhưng lại bị “vấp” vào những quy định khá ngặt nghèo! Đây là phim chiến tranh, đạo cụ toàn vũ khí hạng nặng ở Việt Nam không có, phải nhập vào… Và phải xin phép Bộ Quốc Phòng…với thồi gian đợi chờ khá lâu (mà chưa chắc đã được) nên đoàn phim chuyển hướng sang Philippines.
Năm 2001, bộ phim kinh dị của Hàn Quốc về chiến tranh Việt Nam, “R-Point”-Điểm R cũng đã có giấy phép quay sau bao gian truân. Nhưng rồi họ cũng bị vướng phải rào cản: đạo cụ vũ khí. Phim có một cảnh phải xuất hiện chiếc trực thăng chuồn chuồn của Mỹ (sử dụng trong chiến tranh Việt Nam), Việt Nam có nhưng bị hư hỏng không sử dụng được, nên Hàn Quốc đề nghị mang trực thăng nhập vào. Vì phải chờ giấy phép quá lâu nên “R-Point” đã “kết duyên” Campuchia để thực hiện bộ phim.
Gần 10 năm trước, năm 2007. Việt Nam lại thêm một lần lỡ duyên với Hollywood trong dự án bất thành “Pink Ville”- Làng Hồng của đạo diễn lừng danh Oliver Stone. Và kể từ đó, Việt Nam gần như “lỡ duyên” với Hollywood trong rất nhiều dự án phim, kề cả phim về chiến tranh Việt Nam.
Còn duyên kẻ đón người đưa
Năm 2014, khi một nhóm làm phim của dự án “Pan” đã đến VN và chọn Hang Én- Quảng Bình, Vịnh Hạ Long- Quảng Ninh, Tràng An- Ninh Bình làm bối cảnh nền cho một số phân đoạn trong phim. Cho dù là chuyến đi “âm thầm”, và tên Việt Nam không được nhắc đến trong generic của phim, nhưng ấn tượng để lại về một Việt Nam có những khung cảnh kỳ vĩ, kỳ bí, hoang sơ tuyệt đẹp đã gây chú ý đến Hollywood thêm một lần nữa. Và lần này Việt Nam đã không để lỡ duyên mà mở cửa đón như một lời chào mời thân thiện, mến khách và nhiều hứa hẹn tương lai.
Và năm 2015 khi “Kong: Skull Island” đến Việt Nam, đây có thể xem là dự án của Hollywood đánh dấu sự thay đổi cái nhìn của các nhà làm phim thế giới với các nhà quản lý Việt Nam. Ngay từ khi dự án ngỏ lời tới Việt Nam, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ủng hộ ngay. Thủ tướng Chính phủ sau đó chỉ đạo bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công An, Bộ Thông tin Truyền thông, các tỉnh thành liên quan hỗ trợ và hợp tác với đoàn phim trong quá trình làm việc.
Đoàn làm phim "Kong: Skull Island" cùng Thứ trưởng Bộ VH_TT&DL Vương Duy Biên. Ảnh; Tuấn Mark. |
Tại buổi họp báo diễn ra ở Hà Nội sáng 21/2/2016, đạo diễn John Vogt-Roberts phát biểu: "Khán giả xemJurassic Parksẽ biết đó là Hawaii, xemLord of the Rings sẽ biết đó là New Zealand. Kong: Skull islandchắc chắn sẽ mang đến những điều mới mẻ, khiến nhiều khán giả đặt câu hỏi: 'Đây là đâu nhỉ?', bởi Việt Nam quá đẹp. Tôi muốn phá vỡ những định kiến của khán giả Mỹ về quốc gia các bạn, bởi Việt Nam thường được mô tả trên màn ảnh qua những bối cảnh ở miền Nam. Kong: Skull island có cả những cảnh quay ở miền Bắc nữa".
Và chắc chắn sau “Kong: Skull Island”, các nhà quản lý Việt Nam sẽ tích cực quảng bá đất nước như phim trường mới cho Hollywood và điện ảnh thế giới./.