Một bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) do bị suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết... tính mạng có nguy cơ bị đe dọa. Đáng chú ý, trước khi nhập viện, bệnh nhân đã bị sốt cao, đau cơ bắp, đi ngoài phân lỏng sau khi ăn tiết canh lợn.

tiet_canh_lon_1_vov__xhog.jpg
Bệnh nhân đang tiếp tục được cấp cứu tích cực, hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp bằng máy.

Bệnh nhân là ông Vũ Văn Bình (62 tuổi) trú tại phường Hòn Gai, thành phố Hạ Long, nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, nhiễm trùng huyết nặng, cẳng chân phải sưng, đau nhiều.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy đã xác định bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng do bệnh liên cầu lợn và áp dụng phác đồ lọc máu, dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, sức khỏe bệnh nhân vẫn đang diễn biến xấu với các triệu chứng sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp, suy đa tạng, cẳng chân sưng phồng, tím tái có dấu hiệu hoại tử, buộc các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy phải đặt máy thở qua ống nội khí quản và đặt máy tim phổi nhân tạo.

Theo bác sĩ Nguyễn Phong Cẩn, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc bệnh viện Bãi Cháy, liên cầu lợn là loại vi khuẩn thường có trên hầu họng lợn và có thể lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp.

Cẳng chân bệnh nhân sưng phồng, tím tái và có dấu hiệu hoại tử.

Để phòng tránh, người dân cần thực hiện “ăn chín, uống sôi”, không nên ăn tiết canh, thịt lợn tái, sống…; tránh mua thịt lợn có một số dấu hiệu như màu đỏ khác thường, xuất huyết.

Người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ lợn cần đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc thịt lợn bệnh với những vùng có vết thương hở. Đồng thời, cần tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tránh tiếp xúc với lợn bị bệnh hoặc lợn mang vi khuẩn gây bệnh. Lợn ốm phải được cách ly, lợn chết phải được chôn, đổ thuốc sát khuẩn xung quanh hố chôn hoặc tiêu hủy theo quy định/.