Trong 10 tháng năm 2015, cả nước đã đưa được hơn 99.400 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 4,65% kế hoạch năm 2015 và bằng 109,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy nhiên, cùng con số ấn tượng này, công tác xuất khẩu lao động vẫn bộc lộ những khó khăn. Phóng viên Hà Nam đã phỏng vấn ông Tống Hải Nam- Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về nội dung này.

PV:
Thưa ông, 10 tháng Việt Nam đã được đưa hơn 99.000lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt kế hoạch đề ra của cả năm. Vậy đâu là những thị trường tiếp nhận nhiều lao động của chúng ta?

Ông
Tống Hải
Nam:
 Năm nay, chúng ta đặt mục tiêu đưa 95.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng hết 10 tháng đã đưa được hơn 99.000 lao động đi. Đây có thể nói là thành tích đáng mừng, bởi còn 2 tháng nữa thì tôi tin rằng, số lượng có thể vượt so với số lao động 106.000 đã đưa được đi trong năm 2014.

ong_tong_hai_nam_ybug.jpg

Ông Tống Hải Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN 

Trong 10 tháng, chúng ta đưa được gần 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì 2 thị trường số lượng chiếm hơn 80%. Thứ nhất là Đài Loan (Trung Quốc), nếu như năm 2014, cả năm chúng ta đưa được hơn 62.000 lao động đi làm việc ở thị trường này thì trong 10 tháng của năm 2015 chúng ta đã đưa được hơn 59.000 lao động đi làm việc ở Đài Loan và hy vọng rằng, cả năm nay số đưa lao động đi làm việc ở Đài Loan sẽ vượt con số của năm 2014.

Ngoài ra, thị trường Nhật Bản cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Nếu như năm 2014, chúng ta đưa được hơn 19.000 lao động đi làm việc tại Nhật Bản thì 10 tháng năm nay đã có hơn 21.000 lao động đi làm việc tại thị trường Nhật Bản. Lúc đầu chúng tôi chỉ dám ước tính hết năm 2015 này, khoảng 23.000 lao động sẽ được đưa sang làm việc tại Nhật Bản, tuy nhiên với tốc độ của 10 tháng qua có thể co số còn cao hơn 23.000.

PV:
Cùng những kết quả đáng ghi nhận, đâu là những tồn tại của công tác xuất khẩu lao động hiện nay, thưa ông?

Ông
Tống Hải
Nam:
 Đúng là trong một vài năm vừa qua, nếu nói về thành công, về kết quả thì số lượng lao động Việt Nam được đưa đi hàng năm làm việc ở nước ngoài đã tăng đáng kể so với những năm trước đây. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, những thành công thì còn những hạn chế, tồn tại, một số bất cập. Thứ nhất là mặc dù chất lượng lao động đã được nâng cao, nhưng nếu so sánh với những nước mạnh về cung ứng lao động trong khu vực thì chất lượng lao động Việt Nam còn hạn chế.

Mặc dù chúng ta đã quan tâm hơn đến công tác tuyển chọn đào tạo nhưng chất lượng so với các nước trong khu vực vẫn còn yếu ở ngôn ngữ và ý thức kỷ luật. 

Thứ 2 là mặc dù đội ngũ doanh nghiệp cung ứng lao động Việt Nam đã được cải thiện và nâng cao cả về năng lực lẫn khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thì vẫn còn một số doanh nghiệp do mải chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng lao động phái cử đi làm việc ở nước ngoài. 

Cùng với đó là một số doanh nghiệp vẫn ủy quyền hoặc là giao phó trách nhiệm cho những chi nhánh mà không có sự giám sát, không có sự quản lý... dẫn đến việc khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thì gặp phải những trục trặc hoặc có thể phát sinh trong quá trình lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được giải quyết thỏa đáng nên đáng nhẽ ra một sự việc nhỏ có thể bùng phát, kéo dài.

PV:
Vậy thời gian tới,công tác xuất khẩu lao động của Việt Nam tiếp tục tập trung vào việc đẩy mạnh và phát triển thị trường theo hướng nào, thưa ông?

Ông
Tống Hải
Nam:
 Trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã tiến hành rất nhiều biện pháp để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan đã tiến hành đàm phán và trao đổi với rất nhiều cơ quan liên quan của các nước tiếp nhận để làm sao có thể ký kết được các thỏa thuận, các hiệp định về hộ tác lao động. Đấy là cơ sở để chúng ta đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại những thị trường đó cũng như là khung pháp lý để chúng ta bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam trong thời gian họ làm việc ở những nước tiếp nhận lao động.

Đối với những nước mà họ không có truyền thống ký các hiệp định hay các thỏa thuận thì Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng như các cơ quan trực thuộc Bộ đều thiết lập các quan hệ nhất định với những cơ quan chịu trách nhiệm trong lĩnh vực tiếp nhận lao động Việt Nam để làm sao thiết lập những cơ chế phù hợp trong việc quản lý lao động Việt Nam khi họ làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh việc mở rộng các thị trường tiếp nhận lao động thì chúng tôi cũng đã trao đổi với các nước để mở rộng cả ngành nghề và lĩnh vực tiếp nhận.

Nếu trước đây, Nhật Bản chỉ tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài vào làm việc trong 68 ngành nghề, thì năm 2014 vừa qua, dưới sức ép của các nước phái cử cũng như của các nghiệp đoàn tiếp nhận lao động, thì Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý mở rộng tăng từ 68 lên 71 lĩnh vực ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta có một số thị trường truyền thống tiếp nhận lao động Việt Nam thì chắc chắn trong thời gian tới, chúng ta sẽ duy trì ổn định và mong rằng sẽ mở rộng được thị phần ở những thị trường này. Đó là thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia và một số nước ở Trung Đông và cũng hy vọng rằng, với những giải pháp đáng kể thì thị trường Hàn Quốc sẽ có những dấu hiệu tích cực trong những năm tới. Đây cũng chính là cơ hội để chúng ta hy vọng và tin tưởng trong tương lai, lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ phát triển, nhiều người dân sẽ được hưởng lợi hơn từ Chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

PV:
Vâng, xin cảm ơn ông!./.