Hiện nay, người sử dụng lao động đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo số tiền ghi trên hợp đồng lao động, trong khi mức tiền lương này thấp hơn so với thực tế chi trả cho người lao động. Vì ngoài lương, chủ sử dụng còn bổ sung nhiều phụ cấp như chuyên cần, kinh nghiệm...cho người lao động. Tổng số tiền từ phụ cấp đôi khi còn cao hơn số tiền làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, các khoản bổ sung này không được tính vào bảo hiểm xã hội.
Mức tiền đóng BHXH gần hơn với thu nhập. |
Để hạn chế tình trạng này, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 áp dụng từ 1/1/2016 quy định, từ năm 2016 - 2017: Căn cứ tính bảo hiểm xã hội trên cơ sở lương và phụ cấp, từ năm 2018 trở đi, căn cứ tính bảo hiểm xã hội sẽ gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều về Bảo hiểm xã hội bắt buộc đang được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ghi rõ: Tiền lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động từ 1/1/2016 sẽ được tính Bảo hiểm xã hội. Tới năm 2018, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng cơ chế phối hợp giữa Thuế - Bảo hiểm xã hội để đảm bảo mức đóng bảo hiểm xã hội đúng và đủ.
Ông Trần Hải Nam nói: “Về các khoản phụ cấp thì hiện nay Chính phủ có các nghị định hướng dẫn trong Bộ Luật lao động và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã có thông tư hướng dẫn về tiền lương trong đó xác định thế nào là tiền lương, các khoản nào là khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong các khoản phụ cấp lương đó thì khoản nào sử dụng làm căn cứ tính đóng. Việc này sẽ theo hướng là các khoản phụ cấp mang tính ổn định. Từ 1/1/2018, tiền lương doanh nghiệp đóng cho người lao động phải dựa trên cơ sở toàn bộ chi phí lương của doanh nghiệp như mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”./.