Hiện nay, Nhật Bản tiếp tục là thị trường trọng điểm tiếp nhận lao động Việt Nam. Cùng với số lượng thực tập sinh được đưa sang Nhật Bản làm việc gia tăng hàng năm, lao động là điều dưỡng và hộ lý cũng là ngành nghề hấp dẫn, thu hút người lao động bởi mức lương cao. Nắm được điểm yếu của người lao động là cần tiền, nhưng lại thiếu hiểu biết luật, ở nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng lừa đảo người lao động đi Nhật Bản dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi. 

xuta_khau_zhob.jpg
Lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản. (Ảnh minh họa).

Là một nghề có điều kiện và chịu những quy định khắt khe của nước tiếp nhận nên hiện nay việc tuyển chọn đưa điều dưỡng và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản mới được thực hiện ở cấp Chính phủ và Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là đầu mối duy nhất thực hiện chương trình. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý cần tiền, nhưng thiếu hiểu biết pháp luật và thiếu thông tin về thị trường của người lao động, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số đơn vị, doanh nghiệp công khai quảng cáo trên các trang mạng việc tuyển chọn, tư vấn đi làm việc tại Nhật Bản, thu tiền của người lao động một cách trái phép.

Đơn cử như trong khi vụ Công ty Cổ phần du lịch dịch vụ dầu khí Hải Phòng (OSC) đến trường Cao đẳng Y Hải Phòng để phát tờ rơi, tư vấn đưa điều dưỡng đi Nhật Bản và thu phí trái phép 1 triệu đồng/người của hơn 50 sinh viên chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, hàng trăm lao động ở các tỉnh Tây Ninh, Bến Tre và TP HCM lại phát hiện là nạn nhân của tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động.

Theo phản ánh của nhiều lao động, họ đã được Công ty Vinh Ron, tại đường Phan Đình Giót, phường 12, quận Tân Bình, TP HCM hứa đưa sang Nhật Bản làm việc trong các nhà hàng, khách sạn và công ty. Theo đó, gần 100 lao động, người ít nhất đã nộp cho công ty 1.500 đôla, người cao là 2.500 đôla cùng với rất nhiều hồ sơ, giấy tờ gốc. Thế nhưng, gần 1 năm nay, tiền thì mất mà lao động vẫn chưa được đưa sang Nhật Bản để làm việc. Anh Nguyễn Thanh Nhàn, ở tỉnh Bến Tre cho biết: “Khi em vô thì công ty kêu em nộp 1.500 đôla. Khi nộp vô, công ty nói trong vòng 6 tháng sẽ được sang Nhật. Qua 6 tháng em thấy công ty đưa đi không được em lên gặp giám đốc để rút hồ sơ, giám đốc nói là nếu hủy ngang thì không trả tiền lại cho em”.

Sau mỗi vụ lừa đảo người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài xảy ra, cơ quan chức năng lại vào cuộc xử lý. Thế nhưng, tình trạng một số doanh nghiệp, đơn vị mập mờ trong quảng cáo, tư vấn nhằm tuyển dụng và thu tiền trái phép của người lao động vẫn diễn ra.

Ngang nhiên tuyển chọn ứng viên là điều dưỡng và hộ lý sang Nhật Bản làm việc dù không được cấp giấy phép và không có chức năng, một số doanh nghiệp còn thu phí cao của thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc. Rồi giữa các doanh nghiệp cũng xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chộp giật người lao động. 

Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Khác với các nước tiếp nhận lao động khác, Nhật Bản không tiếp nhận lao động phổ thông mà tiếp nhận lao động dưới dạng thực tập sinh kỹ năng. Hơn 20 năm qua, đã có gần 100 nghìn lao động Việt Nam sang tu nghiệp và thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, cùng những kết quả đạt được, việc đưa thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc đã bộc lộ những bất cập: “Trong hơn 20 năm triển khai vừa qua cũng đã có một số vấn đề phát sinh. Đó là tình trạng tu nghiệp sinh Việt Nam vi phạm hợp đồng, bỏ trốn ở Nhật Bản trong những năm gần đây gia tăng. Nếu như năm 2012, tỷ lệ bỏ trốn chiếm hơn 4% thì đến năm 2013 con số này chiếm gần 7%. Đến năm 2014 con số này giảm xuống nhưng đây là vấn đề đặt ra chúng ta cần quan tâm. Đồng thời bắt đầu xuất hiện tình trạng doanh nghiệp giảm các điều kiện hoặc nâng phí thu của người lao động để đưa thực tập sinh sang Nhật Bản”.

Để phát triển ổn định thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản, mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có cuộc họp với hơn 180 doanh nghiệp đưa thực tập sinh đi Nhật Bản, đồng thời xây dựng Dự thảo Đề án chấn chỉnh thị trường này. 

Một trong những giải pháp được Bộ nêu rõ, đó là: Doanh nghiệp có tỷ lệ thực tập sinh tại Nhật Bản bỏ hợp đồng cao hơn 8% sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời hạn 90 ngày để thực hiện các biện pháp chấn chỉnh. Nặng hơn có thể sẽ bị chấm dứt việc được phái cử tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Ngoài ra, các doanh nghiệp chỉ được thu phí dịch vụ không quá 3.600 đôla/người/ hợp đồng 3 năm và 1.200 đôla/người/ hợp đồng 1 năm đối với người lao động. 

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: “Cố gắng làm sao để các thông tin đến với các ứng viên muốn đi làm việc tại Nhật Bản nó phải minh bạch, làm sao để các ứng viên có thể tiếp cận được các thông tin một cách thuận tiện dễ dàng và đầy đủ nhất. Tất cả những thông tin về hợp đồng, về tiền lương, về thu nhập và điều kiện sinh hoạt cần phải minh bạch. Bộ sẽ thảo luận với các doanh nghiệp về các giải pháp chấn chỉnh, những điều kiện như thế nào thì doanh nghiệp có thể được đưa thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản. Ví dụ như họ không vi phạm, không bị xử phạt hành chính, phải có đội ngũ cán bộ am hiểu về luật pháp và có kinh nghiệm về xuất khẩu lao động”.

Chỉ vì nôn nóng muốn kiếm tiền nhanh nhưng lại thiếu thông tin về thị trường, thiếu hiểu biết luật, nhiều lao động đã trở thành “con mồi” của tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động. Vì vậy, trong khi cơ quan chức năng chưa thể giải quyết các vụ việc một cách rốt ráo, triệt để thì người lao động cần phải “tỉnh táo” để tránh bị lợi dụng cả lòng tin và tiền bạc./.