Sáng nay, Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp công bố báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam 2012 với chủ đề “Khởi đầu tốt, nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong giảm nghèo và những thách thức mới”.
Giảm nghèo nhanh...
Theo đánh giá của WB và VASS, thành tích của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo trong 2 thập kỷ qua rất lớn. Nếu tính theo chuẩn nghèo “dựa theo nhu cầu cơ bản” vào năm 1998 (theo chuẩn nghèo của Tổng cục Thống kê (GSO) - Ngân hàng Thế giới 1,1 USD/người/ngày) tỷ lệ nghèo tính theo đầu người giảm từ 58% vào đầu thập kỷ 1990 xuống 14,5% năm 2008. Và theo chuẩn này, tỷ lệ nghèo ước giảm xuống dưới 10% năm 2010.
WB và VASS: Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về xóa đói giảm nghèo |
Những thành tựu tương tự, theo Tiến sĩ Valerie Kozel, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, tính theo chuẩn 1,25 USD/ngày/người, tỷ lệ nghèo giảm từ 63,7% năm 1993 xuống còn 16,7% năm 2008. “Tính tổng thể, gần 1/2 dân số Việt Nam đã thoát nghèo trong vòng chưa đầy 2 thập kỷ”- TS Valerie Kozel nhấn mạnh.
Cạnh đó, Việt Nam cũng tiến bộ đáng kể ở những khía cạnh đời sống khác, từ tỉ lệ nhập học tiểu học và trung học cao và cải thiện về y tế, tới giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong. Việt Nam đã đạt được và, trong một số trường hợp thậm chí còn vượt, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ mới.
Hơn nữa, chiều sâu và mức độ trầm trọng của tình trạng nghèo tại Việt Nam cũng đã giảm mạnh, dù đo theo chuẩn mực quốc gia hay quốc tế. Điều kiện sống đã được cải thiện, không chỉ đối với các hộ sống sát với chuẩn nghèo mà cả với rất nhiều hộ nghèo nhất của Việt Nam.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, những cải cách theo cơ chế thị trường nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao và bền vững đóng vai trò tối quan trọng đối với thành công của Việt Nam. Những nỗ lực đó lại được củng cố thêm bởi các chính sách đảm bảo công bằng trong cung cấp các dịch vụ cơ bản, trong sử dụng đất và đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo người nghèo được tiếp cận cơ hội rộng rãi.
... nhiều thách thức mới
Dù đạt được những tiến bộ đáng chú ý, nhưng theo Tiến sĩ Valerie Kozel, nhiệm vụ giảm nghèo của Việt Nam vẫn chưa hoàn tất, và xét ở một số phương diện, nhiệm vụ đó hiện khó khăn hơn. Chuẩn nghèo theo “nhu cầu cơ bản” của Việt Nam, được thống nhất vào đầu thập kỷ 1990, rất thấp so với chuẩn quốc tế và các phương pháp được sử dụng để theo dõi nghèo đã lỗi thời. Các tiêu chuẩn áp dụng cho Việt Nam khi còn là một nước thu nhập thấp vào thập kỷ 1990 không còn phù hợp với Việt Nam đang vươn lên thành nước có thu nhập trung bình trong giai đoạn hiện nay.
Bà Kwakwa đánh giá: Dù hàng chục triệu hộ gia đình Việt Nam đã thoát nghèo trong thập kỷ qua, nhưng rất nhiều hộ trong số đó có thu nhập rất sát chuẩn nghèo và vẫn rất dễ tái nghèo do các cú sốc đặc thù (ví dụ: mất việc, tai nạn, gia đình có người tử vong hoặc ốm), hoặc do các cú sốc có liên quan trong nền kinh tế (ví dụ: tác động của biến đổi khí hậu tới lượng mưa và nhiệt độ, đại dịch cúm ở người và động vật, và các tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009).
Đặc biệt, theo đánh giá trong báo cáo này, thành công của Việt Nam đã tạo ra những thách thức mới. Đó là vấn đề khó tiếp cận hơn với những người nghèo còn lại, họ phải đối mặt với những thách thức khó khăn như sự cô lập, hạn chế về tài sản, trình độ học vấn thấp, sức khỏe kém- và tốc độ giảm nghèo hiện nay không còn cùng nhịp với tăng trưởng kinh tế như trước.
Nghèo trong các nhóm dân tộc thiểu số thành một thách thức kéo dài. Dù 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm dưới 15% tổng dân số của cả nước nhưng lại chiếm tới 47% tổng số người nghèo vào năm 2010, so với 29% vào năm 1998. Theo chuẩn nghèo cập nhật phản ánh mức sống năm 2010, tới 66,3% người dân tộc thiểu số được phân loại nghèo, so với chỉ 12,9% ở người Kinh.
Đồng thời, sự chuyển dịch nhanh chóng về cơ cấu và quá trình quá độ sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay đã mang lại những mô hình phát triển mới với những thách thức thêm cho công tác giảm nghèo. Bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội đang tăng, do chênh lệch về phát triển con người giữa nông thôn và thành thị đang tiếp tục mở rộng cũng như do chênh lệch bên trong khu vực nông thôn và giữa các nhóm kinh tế - xã hội khác nhau đang ngày càng giãn rộng.
Các khu vực nghèo hơn không được kết nối hiệu quả với các thị trường. Dù phạm vi bao phủ của cơ sở hạ tầng địa phương và của các dịch vụ cơ bản ở hầu hết các vùng trong cả nước hiện tương đối tốt, nhưng mức độ tin cậy và chất lượng dịch vụ chưa đồng đều.
Cạnh đó, quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ ngày càng tăng và ngày càng có nhiều người lao động di cư từ các vùng nông thôn ra thành phố để làm việc ở các công ty sản xuất và dịch vụ tư nhân. Rất nhiều công việc phi chính thức và không có phúc lợi giống khu vực công và các doanh nghiệp nhà nước cho người lao động hưởng từ xưa tới nay. Nhu cầu lao động trẻ và có kỹ năng này càng tăng, tuy nhiên rất nhiều người lao động có tuổi không được đào tạo hoặc không có các kỹ năng để cạnh tranh tìm việc trong nền kinh tế hiện đang mở rộng./.