Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo Trung ương cho thấy: Mặc dù trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng 2 năm qua, Chính phủ vẫn ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo, bố trí kinh phí triển khai có hiệu quả các chương trình chính sách giảm nghèo... Nhiều địa phương sáng tạo có cách làm hay, hiệu quả như: Lào Cai, Hà Giang, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bến Tre...
Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành đánh giá việc thực hiện công tác giảm nghèo trong 2 năm 2011- 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 và định hướng đến năm 2015 |
Hai năm qua, từ các nguồn vốn khác nhau, hơn 60.000 tỉ đồng đã được đầu tư cho chương trình giảm nghèo. Nhờ đó mà cả nước có 29 triệu lượt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trên 4 triệu lượt học sinh được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập; trên 39.200 người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề, có việc làm; 5 triệu lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; trên 500.000 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi sản xuất....
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a, Chương trình 167.... cũng đã đầu tư gần 17.000 tỉ đồng xây dựng trên 6.000 công trình cơ sở hạ tầng kinh tế giúp các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo phát triển kinh tế xã hội.
Nhờ đó mà tỉ lệ hộ nghèo cả nước từ 14,2% (năm 2010) đã giảm xuống còn 9,6% (cuối năm 2012), bình quân giảm 2,3% /năm.
Bên cạnh những thành công đạt được, công tác giảm nghèo 2 năm qua vẫn còn một số hạn chế như: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, một số vùng tỉ lệ hộ nghèo trên 50%, cá biệt có nơi trên 60- 70%, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% cả nước; nhiều chương trình manh mún, chồng chéo, hiệu quả chưa cao.
Chủ trì hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu lãnh đạo các địa phương, Bộ ngành Trung ương phân tích những mặt được và chưa được, bàn giải pháp đẩy mạnh triển khai chương trình giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết 80 của Chính phủ, nhằm đạt mục tiêu đến cuối năm 2015 tỉ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5% theo chuẩn mới.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương như: Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng... cũng nêu bật những khó khăn, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo thời gian tới./.