Theo báo cáo của Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam tại Lễ công bố chiến lược phát triển của Hội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được tổ chức sáng 10/11, tại Hà Nội cho thấy, từ năm 2013 đến hết tháng 9/2014, các trung tâm thuộc Hội đã thực hiện miễn phí 5.564 vụ việc, trong đó có 237 vụ tham gia tố tụng (đại diện, bào chữa tại Tòa), 5.154 vụ tư vấn pháp luật, còn lại là hòa giải, viết kiến nghị và hướng dẫn đơn từ. Sau 3 năm hoạt động, vị trí, vai trò của Hội từng bước được xã hội và công nhận qua các hoạt động cụ thể…

bao_tro_tu_phap_xwpd.jpg
Lễ công bố chiến lược phát triển của Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 tổ chức sáng 10/11

Chủ tịch Hội –Tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý cho biết: Đến năm 2020, Hội phấn đấu trở thành một tổ chức xã hội-nghề nghiệp có số hội viên ổn định (khoảng 5000 người), có ít nhất 30 trung tâm tư vấn pháp luật và bảo trợ tư pháp ở các vùng miền, miền núi, vùng người dân có nhu cầu về giúp đỡ pháp luật.

Đến năm 2030, Hội khẳng định đầy đủ vị thế của Hội nghề nghiệp trong đời sống pháp luật với khoảng 10.000 hội viên, thiết lập, củng cố, phát triển các trung tâm, chi nhánh, hoạt động có hiệu quả ở phạm vi ít nhất là 50% các địa bàn toàn quốc; tạo cơ chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các Hội nghề nghiệp về pháp luật trong nước bảo trợ tư pháp cho người nghèo, đối tượng chính sách, nhóm yếu thế và cộng đồng.

Theo Tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý, chiến lược phát triển này được thiết lập nhằm góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, chủ trương cải cách hành chính, tư pháp gắn với tôn trọng, ghi nhận và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi, quyền khiếu nại, tố cáo, tiếp cận thông tin… của công dân; đưa pháp luật về đúng vị trí là cán cân công bằng, công lý.

Ông Alan, Trưởng đại diện Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp – JIFF, đơn vị hỗ trợ Hội trong việc xây dựng chiến lược phát triển, cho biết, JIFF là một trong những nội dung hợp tác về tư pháp giữa Việt Nam và Australia, nhằm xây dựng năng lực tư pháp, hỗ trợ tư pháp cho các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.

Từ năm 2010, JIFF đã hỗ trợ 76 dự án ở 63 tỉnh, thành phố. Ông Alan bày tỏ tin tưởng Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam sẽ có vai trò rõ ràng trong việc hỗ trợ tư pháp và là nhân tố hỗ trợ quá trình cải cách tư pháp tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Bùi Mạnh Cường, Phó Tổng thư ký, kiêm Chánh văn phòng Hội cho biết, hiện có nhiều hồ sơ xin thành lập trung tâm trợ giúp pháp lý tại các địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tế, Hội có thể sẽ thành lập thêm một số trung tâm. Ngoài ra, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cũng sẽ tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực của các hội viên và các trung tâm trợ giúp pháp lý trực thuộc, đồng thời sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác truyền thông về pháp luật cho người dân./.