Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc có cần đưa quy định từ chức vào Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng không nhất thiết vì đó là chuyện bình thường, nên trở thành văn hóa của cán bộ công chức.

ha_hung_cuong_tr_qmnw.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Ảnh: Minh Thăng)
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, với tất cả những người được giao chức trách nhiệm vụ, nếu tự thấy bản thân không phù hợp, có thể do chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sở trường, sức ép công việc… người ta đều có thể từ chức chứ không nhiết thiết vì yếu kém, vi phạm đạo đức công vụ mà phải từ chức.

Từ chức không chỉ đặt ra với thành viên Chính phủ mà đặt ra với tất cả những người có chức vụ quyền hạn. Do vậy, nếu chỉ quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ thì không toàn diện, mà phải quy định cả trong các luật như Tổ chức Quốc hội, Tổ chức Tòa án Nhân dân, Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng có thể quy định trong các luật khác như Luật Giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, chứ không nhất thiết phải quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ. 

Bình luận về quan điểm cho rằng quy định về từ chức trong Luật Tổ chức Chính phủ sẽ như một đòn bẩy kích thích việc chịu trách nhiệm đối với những người đứng đầu trong các cơ quan điều hành đất nước, tránh tình trạng khi có vụ việc nghiêm trọng xảy ra không ai lên tiếng nhận trách nhiệm như thời gian qua, người đứng đầu ngành Tư pháp cho rằng không nên chỉ xoáy sâu vào Luật Tổ chức Chính phủ hay Luật Tổ chức Quốc hội, bởi “ngay cả các Đại biểu Quốc hội, không phải ai cũng làm tròn trách nhiệm của mình. Đại biểu Quốc hội là những người được nhân dân bầu ra để thực hiện quyền lực cao nhất”.

“Ở các nước, tôi không thấy họ quy định trong luật về vấn đề từ chức. Đó là phạm trù thuộc về đạo đức công vụ. Ở họ chỉ cần phát hiện ra Bộ trưởng nào sử dụng tài chính bất minh trong bầu cử, có sai phạm là họ thấy phải từ chức. Còn ở Việt Nam, công tác cán bộ là công tác số một của Đảng. Đảng giao nhiệm vụ, Trung ương biểu quyết và đưa ra cơ quan Quốc hội phê duyệt. Trừ khi anh có sai phạm rõ ràng”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết thêm.

Người đứng đầu ngành Tư pháp cũng thừa nhận chưa có trường hợp nào từ chức như quy định của luật bởi thực chất hiện nay việc phân công trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể cũng chưa rõ ràng. “Có thể, một người đứng đầu nhưng lại thực hiện quyết định của nhiều người khác, quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Điều đó có nghĩa, quyết định của một tập thể không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho một người cụ thể”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói./.