Sáng nay (15/12), tại TPHCM, Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam tổ chức Hội nghị về phối hợp trong công tác bảo trợ tư pháp. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố, các trung tâm trợ giúp pháp lý, đoàn luật sư, các tổ chức xã hội.  

ptt.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn)

Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam được thành lập và đại hội lần thứ nhất vào năm 2011. Đây là Hội của những người tự nguyện tham gia, hỗ trợ cho công tác trợ giúp pháp lý, hoạt động phi lợi nhuận. Đến nay, Hội đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ một số tổ chức xã hội, doanh nghiệp về điều kiện làm việc. Hội đã thành lập được 6 trung tâm, trong đó đã đưa vào hoạt động 2 trung tâm, giải quyết hàng ngàn vụ tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng một số vụ khác.

Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra thảo luận, bàn bạc nhiều biện pháp, hình thức để phổ biến hoạt động của Hội đến đông đảo người dân, tìm nguồn kinh phí hoạt động và quan trọng nhất là xây dựng mạng lưới Hội ở các địa phương, phát triển hội viên…Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam mong muốn, sự phối hợp trong công tác bảo trợ tư pháp được hình thành, gắn kết theo chiều ngang giữa Hội với các Bộ ngành, đoàn thể Trung ương và cả theo chiều dọc là xuống các địa phương, cơ sở. Theo đánh giá ban đầu, với con số ít ỏi hơn 6.700 luật sư và chủ yếu tập trung ở các thành phố, đô thị như hiện nay, tỷ lệ án có luật sư tham gia rất thấp- chưa đến 20%, thì sự ra đời của Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam sẽ hỗ trợ thiết thực cho người dân về pháp lý, nhất là đối với các đối tượng chính sách, người nghèo và nhóm đối tượng yếu thế. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Hoạt động giúp đỡ pháp luật cho người dân nói chung, người nghèo nói riêng vẫn là vấn đề cấp bách mà nhà nước và xã hội cần quan tâm. Vì vậy, việc Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam với tư cách là hội nghề nghiệp của những người làm công tác trợ giúp pháp lý được thành lập và sớm đi vào hoạt động là cần thiết, thiết thực để chia sẻ trách nhiệm với nhà nước, xã hội về bảo trợ tư pháp cho người nghèo. Tôi vui mừng thấy hội có đông đảo hội viên, tự nguyện tham gia và mới thành lập nhưng đã làm được nhiều việc, đặc biệt là hội có những hội viên giỏi nghề, nhiệt huyết, nhiều luật sư, luật gia, doanh nhân thành đạt tham gia"./.