Từ cải cách thủ tục hành chính và năng động trong chủ trương, chính sách, gần đây, Đồng Tháp được biết đến như một địa phương năng động trong thu hút đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh từ năm 2007 đến nay luôn đứng trong tốp 10 của cả nước. Đặc biệt năm 2012, Đồng Tháp đã vươn lên vị trí hạng nhất toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan, nguyên nhân là hệ thống chính quyền đã chuyển nhận thức “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” và chú trọng công tác cải cách hành chính.

Cán bộ, công chức phải mạnh dạn xin lỗi dân

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin thêm về việc lãnh đạo xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình vì có nhiều nỗ lực trong xây dựng chính quyền minh bạch, gần dân. Cách làm này đã được UBND xã Tân Thạnh thực hiện trong gần 2 tháng nay. Trong đó, tất cả lãnh đạo và công chức xã phải đến tận ấp ngồi nghe dân chất vấn, phê bình vào mỗi chiều thứ sáu trong tuần.

dongthap1.jpg
Tập thể lãnh đạo xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình xuống tiếp xúc với dân chiều thứ 6 hàng tuần

Việc làm này đã mang lại kết quả vượt xa mong đợi, thể hiện chính quyền thân thiện, gần dân và đang được dư luận ủng hộ nhiệt thành. Qua đó, thể hiện sự đổi mới lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương.

Không chỉ có lời khen ngợi mà Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh gửi bài báo "Dân phê bình thẳng cán bộ xã" đến tất cả 144 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. 

Có thể nói, nếu như trước kia lời xin lỗi thật khó nói, nói cũng khó nghe, thì gần đây, mỗi khi cán bộ công chức có sai sót trong giải quyết hồ sơ, thủ tục đã mạnh dạn xin lỗi và lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình. Đây còn là suy nghĩ chung của rất nhiều cán bộ công chức trong tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, cán bộ Văn phòng UBND xã Tân Quy Tây cho rằng: “Với bản thân tôi, trước khi thực hiện mô hình nụ cười công sở thì không tự tin lắm. Bây giờ thấy được sự hài lòng của người dân, đã thúc đẩy thêm động lực cho tôi hoàn thành tốt công việc”.

Cán bộ không đạt chuẩn sẽ cho giải quyết chế độ

Điều thấy rất rõ trong những năm gần đây, Đồng Tháp đã có nhiều cố gắng trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh đã thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ cải cách hành chính cho cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu, giúp việc trong lĩnh vực này và tiến hành rà soát lại tổ chức bộ máy và biên chế hành chính ở các ngành, các cấp.

UBND tỉnh tặng bằng khen cho ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh vì có nỗ lực trong cải cách hành chính

Tính đến nay, toàn tỉnh có 17 sở, cơ quan tương đương, 12 huyện, thị xã, thành phố và 144 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác. Nhiều huyện đã xây dựng xong trụ sở một cửa tập trung và triển khai, thực hiện tốt phần mềm “Một cửa điện tử”. Bên cạnh đó, đội đội ngũ cán bộ, công chức xã cũng được tỉnh quan tâm nâng cao trình độ, chú trọng bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.

Ông Phan Văn Tiếu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cấp xã; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc diện quy hoạch giai đoạn 2012 - 2015. Qua triển khai thực hiện, đến nay, có hơn 8.000 cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt tiêu chuẩn năm 2012 là 85%, tăng trên 4,5% so với năm 2011.

Có thể nói, việc cải tiến mạnh mẽ hơn nữa lề lối làm việc cũng như chủ trương cải cách hành chính đã thể hiện tính nhất quán trong toàn hệ thống chính trị ở Đồng Tháp.

Hiện nay, một trong những vấn đề quan trọng nhất mà tỉnh Đồng Tháp đang tập trung là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến xã. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, tỉnh dự kiến chi hơn 30 tỉ đồng để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã, trong đó chi trên 12 tỉ đồng chi trả chế độ cho những người nghỉ việc do không đạt chuẩn và lớn tuổi. Riêng 30 xã nông thôn mới sẽ có 100% cán bộ đạt trình độ đại học. 

Theo ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh sẽ phải “học cười”, học cách hiểu và đồng cảm với nhân dân song song với học tập nâng cao trình độ; đồng thời phải thay đổi ứng xử từ việc thực hiện mệnh lệnh hành chính sang hành chính phục vụ dân.

Cải cách thủ tục hành chính, đây là vấn đề không mới. Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện quyết liệt như ở Đồng Tháp là điều rất đáng để học tập. “Nụ cười công sở”, “Phải biết đặt mình vào vị trí của người dân” hay “Chính quyền xin lỗi nhân dân” là những mô hình, cách làm hay, hiệu quả nhằm quán triệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thực hiện cải cách hành chính. Đây là việc làm cần nhân rộng ra phạm vi cả nước bởi lẽ bệnh vô cảm, “không biết cười với nhân dân” không chỉ ở riêng Đồng Tháp mà có lẽ địa phương nào cũng có./.