Liên quan đến dự án nhận chìm hơn 900.000 m3 bùn, cát xuống vùng biển tỉnh Bình Thuận, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Phó Chủ tịch Hội khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam hết sức bất ngờ khi thấy có tên mình tham gia dự án này.

Tên ông được ghi đầu tiên trong danh sách những người thực hiện “Dự án nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1” của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 và đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Tác An khẳng định mình không hề tham gia gì trong dự án này.

bbb_exdu.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Tác An chia sẻ với phóng viên VOV.

PV:Vì sao ông biết có tên mình trong danh sách thực hiện hồ sơ của dự án nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1?

Tiến sĩ Nguyễn Tác An: Không, tôi không phát hiện ra những chuyện này, chỉ có khi báo chí thông báo thì tôi mới biết. Tôi cũng không nghĩ đến chuyện này, họ đưa tôi vào danh sách những người tham gia thực hiện dự án nhận chìm. Cơ quan nghiệm thu sản phẩm này phải chịu trách nhiệm. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân phải chịu trách nhiệm vì anh nghiệm thu. Hội đồng Nghiệm thu phải chịu trách nhiệm. Cả đời tôi không nghĩ lại có chuyện dối trá như vậy, không có sự thật mà cứ nêu ra, đây là “ngụy” khoa học. Tôi thì không có ai liên hệ với tôi bất kỳ chuyện gì hết.

PV: Không hề tham gia nhưng vẫn có tên trong danh sách thực hiện dự án để làm hồ sơ, cơ sở để cấp phép, vậy ông có đề nghị gì?

Tiến sĩ Nguyễn Tác An:Như vậy, hồ sơ đó không thực, giấy phép cấp căn cứ vào hồ sơ đó, phải hủy giấy phép. Đề nghị Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân phải trả lời dư luận vấn đề này như thế nào. Rất nguy hiểm, đây là vùng sinh thái nước trồi, độc nhất vô nhị Việt Nam. Đây là vùng ven bờ, theo Luật biển, vùng ven bờ là chủ quyền phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Hồ sơ không thực, cơ sở đầu tiên để cấp giấy phép không có, do đó phải hủy đi. 

PV:Vậy quan điểm của ông như thế nào thực hiện dự án nhận chìm hơn 900.000 m3 bùn, cát tại vùng biển Bình Thuận?

Tiến sĩ Nguyễn Tác An: Đây là một tiền lệ không tốt, nhất là trong những vấn đề quan trọng của đất nước. Việc phát triển mang lại nhiều lợi ích nhưng đồng thời nó mang lại những tác hại rất lớn. Do đó, phải đánh giá những tác động đó để tìm giải pháp tốt nhất. Ta phải thống nhất với nhau, điện rất cần, điện là trái tim của nền kinh tế. Nhưng môi trường cũng rất cần. Hai vấn đề này, không thể nói vấn đề nào hơn vấn đề nào! Nhưng đặt ra để xem xét, nên ưu tiên cho anh nào? Nên làm như thế nào? Ví như Nhà máy điện rất cần, có phương án giải quyết chất thải này không? Vì sao cứ lăm le đổ ra biển? Có thể, đổ nơi khác được không? Sao cứ nhè vào phải đổ ở Hòn Cau? 

Tên của Tiến sĩ Nguyễn Tác An đứng đầu danh sách, nhưng thực ra ông không hề tham gia dự án này.

PV:Thế nhưng, chủ đầu tư cùng cơ quan chức năng cho rằng đây chỉ là vấn đề nhận chìm vật chất xuống biển?

Tiến sĩ Nguyễn Tác An: Nhận chìm là sao? Có nghĩa là đóng thùng chất thải nó lại ra những độ sâu nhất định, thả xuống đấy, chất thải không bao giờ trở lại được. Quan trọng nhất là không gây ô nhiễm thứ cấp. Còn ở đây nhận chìm là đưa xà lan hình phễu ra thải thì đấy không gọi là nhận chìm mà gọi là xả thải. Vấn đề ở đây là bùn bị xới lên nó đục ra trong vùng động lực mạnh. Như vậy nó lan truyền cái đục thì ánh sáng bị giảm, quá trình sinh lý sinh vật bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề chính chứ chưa phải vấn đề chất này,  chất kia. Đục có ít đâu, trong 30 ha trên 900.000 m3.

PV: Vâng, xin cảm ơn TS Nguyễn Tác An!/.