Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của đoàn hãng thông tấn AP và nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt– Mỹ, ngày 12/6, Hội Việt– Mỹ thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với hãng thông tấn AP và Trung tâm quốc tế Mỹ (IC) tổ chức tọa đàm giao lưu giữa phóng viên 2 nước với chủ đề “Truyền thông và sự phát triển quan hệ Việt– Mỹ”.
Giám đốc tin tức AP khu vực châu Á Ted Anthony và Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ chủ trì buổi tọa đàm Truyền thông và sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ |
Tham dự buổi tọa đàm về phía AP có phóng viên ảnh kỳ cựu Nick Út vốn nổi tiếng với những bức ảnh về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam cùng các phóng viên ảnh trẻ tuổi của AP đang thường trú tại Thái Lan và Singapore.
Về phía Việt Nam có những phóng viên chiến trường của báo Quân đội Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và nhiều thế hệ phóng viên trẻ của các Đài phát thanh, truyền hình và sinh viên báo chí.
Đồng chủ trì buổi tọa đàm, Giám đốc tin tức AP khu vực châu Á Ted Anthony bày tỏ: “Tôi nghĩ chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi nhau. Tôi đã nghe ít nhất 10 câu chuyện khác nhau từ buổi tọa đàm này và tôi muốn biết nhiều hơn thế nữa. Tôi muốn biết các bạn đã làm báo như thế nào trong giai đoạn khó khăn những năm 1960, 1970 của thế kỷ trước và từ đó đến nay đã có gì thay đổi, trong đó có những gì chúng tôi cần phải biết"
"Về phía chúng tôi, dù là một hãng thông tấn toàn cầu nhưng gốc rễ của chúng tôi là từ Mỹ và chúng tôi nghĩ phóng viên 2 bên không chỉ có thể trao đổi về nghiệp vụ báo chí mà có thể góp phần cho quan hệ giữa 2 dân tộc”, ông nói thêm.
Nhìn lại lịch sử 70 năm của Hội Việt – Mỹ và 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt– Mỹ cho biết, từ giai đoạn đất nước còn chìm trong máu lửa chiến tranh, khi báo chí cách mạng Việt Nam chưa thể tuyên truyền rộng rãi ngoài phạm vi đất nước, người dân Việt Nam đã biết đến AP như là một hãng thông tấn tôn trọng và truyền tải sự thật về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đến toàn thế giới, đánh thức lương tri của nhân loại đứng lên phản đối cuộc chiến phi nghĩa này.
Ông cho biết: “Tôi muốn tỏ lòng mong muốn rằng quan hệ giữa Việt Nam và hãng thông tấn AP tiếp tục tốt đẹp và AP tiếp tục là một hãng tin tầm cỡ thế giới, với những ưu việt của mình, với sức mạnh sự thật trong công việc của mình sẽ tiếp tục đóng góp tốt đẹp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại Việt Nam lần này, đoàn hãng thông tấn AP đã mở cuộc triển lãm ảnh do các phóng viên chiến trường của hãng chụp có tên “Việt Nam: cuộc chiến thực sự” (Vietnam: The Real War) với 50 bức ảnh, trong đó có 4 bức ảnh đoạt giải thưởng báo chí danh tiếng của Mỹ Pulitzer.
Các nhà báo lão thành Việt Nam nhận định, những bức ảnh này không chỉ phản ánh sự thật về cuộc chiến ở Việt Nam mà còn cho thấy một cuộc chiến của chính các phóng viên AP khi dũng cảm xông pha nơi lửa đạn và đấu tranh chống lại những sức ép về mặt chính trị để truyền tải sự thật đó đến toàn thế giới.
Về phần mình, phóng viên ảnh kỳ cựu của AP Nick Út khẳng định, báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh cũng đã có những tác phẩm báo ảnh xuất sắc mà nếu có cơ hội, hãng thông tấn AP đăng tải để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam./.