Từ ngày 16/3, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội thành lập 10 đoàn kiểm tra liên ngành tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn. Cụ thể, đoàn kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công nằm trong các khu dân cư, các nhà hàng ăn uống có bán rượu và các quán nước vỉa hè. Cơ sở nào sản xuất, kinh doanh rượu không nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc xuất xứ sẽ bị thu hồi và xử lý nghiêm.
Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng rượu nấu, rượu ngâm vẫn bán tràn lan trên thị trường mà chưa được kiểm soát khiến người dùng lo ngại.
Liên tiếp ngộ độc
Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt và các cơ quan truyền thông tích cực đưa tin nhưng tình trạng ngộ độc methanol vẫn chưa lắng xuống. Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, từ ngày 26/2 - 15/3, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 25 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 2 trường hợp tử vong và 1 bệnh nhân gia đình xin về do hôn mê sâu, bệnh viện tiên lượng tử vong. Cũng trong đợt này, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và các quận/huyện đã tiến hành kiểm tra 1.597 cơ sở, xử phạt 75 cơ sở với số tiền gần 500 triệu đồng, tiêu huỷ 140 lít rượu và niêm phong hơn 6.500 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, tiến hành xét nghiệm nhanh 231 mẫu rượu, trong số 46 mẫu xét nghiệm tại labo đã phát hiện 5 mẫu vượt giới hạn cho phép tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông và Đống Đa. Đặc biệt, hầu hết những chủ nhà hàng khi bị phát hiện rượu có chứa hóa chất methanol vượt ngưỡng đều khai báo với cơ quan chức năng rượu lấy từ quê, hoàn toàn không có nguồn gốc xuất xứ, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
Trước đó, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 12 sinh viên ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) phải nhập viện vì ngộ độc rượu chứa methanol được mua tại cửa hàng tạp hóa ngõ 259, phố Yên Hòa, Hà Nội.
Theo các bác sĩ Trung tâm Chống độc, rượu pha methanol (rượu cồn công nghiệp) giống hệt rượu gạo truyền thống nên người dùng khó phân biệt. Tuy nhiên, khi uống phải loại rượu này, người uống sẽ bị hôn mê, tụt huyết áp, trụy mạch, mù mắt và tử vong. Không ít người đã chết ngay trên bàn nhậu. Nhiều trường hợp người nhà phát hiện hôn mê, đưa đi bệnh viện thì tình trạng đã rất nặng, thường để lại di chứng thần kinh không có cơ hội phục hồi hoặc tử vong sau đó.
Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát cho biết, 95,7% số người sử dụng rượu thường uống rượu tự nấu và hơn 90% thích uống rượu tự nấu vì giá rẻ, hợp khẩu vị. Rượu tự nấu hiện chiếm tới 90% lượng rượu tiêu thụ trong nước, tương đương 250 triệu lít/năm và con số này tăng 8 - 10%/năm. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm và kiểm soát quy trình sản xuất, tiêu thụ của loại rượu này thiếu chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng.
Người dân đang cần những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (ảnh: Trube) |
Quảnlýthế nào?
Theo khảo sát của phóng viên, rượu tự nấu, tự ngâm các loại được bán tràn lan trên thị trường từ chợ cóc, quán vỉa hè cho đến các cửa hàng tạp hóa, các nhà hàng, quán nhậu... Thậm chí, nhiều nơi còn trưng biển bán rượu công khai, nhưng không ai dám chắc rượu không chứa cồn công nghiệp.
Trong vai người có nhu cầu mua rượu chúng tôi ghé vào một cửa hàng tạp hóa trên đường Láng, chủ cửa hàng nhanh nhẹn đưa ra 3 can rượu trắng, mỗi can 3 lít với 3 mức giá khác nhau từ 12.000 đồng/lít đến 20.000 đồng/lít. Chủ hàng cho biết, khách muốn lấy bao nhiêu cũng được, chỉ cần đặt trước một hôm là có ngay.
Đa dạng và phong phú không kém rượu trắng là thế giới rượu ngâm. Chỉ cần lướt mạng, ngay lập tức người mua có thể mua được các loại rượu ngâm từ những loại đơn giản như tỏi, táo mèo cho đến những loại cao cấp và khó tìm như rắn, rết, đông trùng hạ thảo… Rẽ vào một nhà hàng trên đường Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội, chúng tôi như lạc vào “mê trận” khi được nhân viên ở đây chào mời rất nhiều loại rượu ngâm như rượu ngâm tỏi, ba kích, táo mèo, tắc kè, cá ngựa, rắn, đông trùng hạ thảo, thậm chí cả rượu rết... cùng với những lời quảng cáo có cánh như: “cường gân, tráng cốt, tăng bản lĩnh đàn ông…”.
Song tất cả các loại rượu ngâm này đều không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Khi thấy chúng tôi ngần ngại về chất lượng và nguồn gốc rượu, nhân viên này đon đả khẳng định là rượu nấu ở quê và không pha cồn. Khi gặng hỏi về nguồn gốc rượu, nhân viên này cho biết sẽ hỏi lại chủ nhà hàng (!). Trong khi đó, theo quy định, sản xuất, kinh doanh các loại rượu phải có giấy phép. Tuy nhiên trên thực tế, rất ít cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu, tự ngâm được cấp phép hoặc bị xử phạt.
Trước thực trạng trên, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra giám sát thì một số bộ, ngành đã vào cuộc nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm rượu đảm bảo chất lượng như rượu ba kích, rượu Đông trùng hạ thảo… giúp tăng cường sức khỏe, bồi bổ cơ thể. Đơn cử như thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch cho ra đời sản phẩm rượu Đông trùng hạ thảo Ngọc Việt từ nấm đông trùng hạ thảo.
Theo bà Hồ Thị Mai Chinh, Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, sau nhiều nghiên cứu và thử nghiệm đã phát hiện ra nấm Đông trùng hạ thảo chữa trị bệnh rối loạn chức năng gan rất có hiệu quả. Đồng thời dịch chiết từ nấm Đông trùng hạ thảo có tác dụng kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Với thực trạng báo động về chất lượng rượu trên thị trường, nhóm nghiên cứu hy vọng sản phẩm rượu Đông trùng hạ thảo Ngọc Việt sẽ giúp người tiêu dùng Việt có thêm một lựa chọn mới, an toàn cho sức khỏe.
Thiết nghĩ trong “ma trận” rượu giả, rượu thật lẫn lộn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, có như thế mới hy vọng hạn chế tiến tới chấm dứt được tình trạng ngộ độc rượu như hiện nay./.
Vụ ngộ độc rượu làm 8 người chết: Cần kiểm soát nguồn rượu
Uống rượu ở mức nào và xử trí ngộ độc rượu dịp Tết ra sao?