Phát biểu tại cuộc họp bàn các giải pháp chống ngập diễn ra chiều nay (28/5), Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị các cơ quan chức năng cần phải thông tin đầy đủ, minh bạch về tình hình chống ngập với nhân dân. Nói với nhân dân thì phải thực tế, các khái niệm chuyên môn như “tụ nước” chỉ dùng phục vụ việc thuyết minh, kỹ thuật…
Sau khi nghe Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước và các quận, huyện báo cáo về tình hình chống ngập trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng đây đang là vấn đề mà người dân, cả xã hội rất quan tâm, bức xúc. Vì thế, các cơ quan chức năng phải thông tin kịp thời tình hình thực tế để người dân hiểu được vấn đề. Từ đó, các chuyên gia và người dân có thể đóng góp các giải pháp.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến |
Các quận, huyện cũng cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm kênh rạch, cửa xả… trên địa bàn của mình trong năm 2018 bằng nhiều biện pháp, thậm chí là cưỡng chế.
Trước mắt, các sở ngành cần tạo điều kiện để việc thí điểm xây dựng các hồ điều tiết, trữ nước mưa ở Quận 12, sau khi đã có những thành công bước đầu ở quận Thủ Đức.
Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư cần bố trí nguồn vốn cho các công trình nạo vét sông, kênh rạch, cố gắng nâng tỷ lệ nạo vét từ 2% như hiện nay lên 20% trong thời gian tới. Ông Tuyến cũng thông tin là sắp tới TP HCM sẽ tổ chức Hội nghị kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực chống ngập.
Người dân TP HCM khổ sở vì nước ngập |
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết: "Những khái niệm chuyên môn chỉ phục vụ cho kỹ thuật, thuyết minh dự án kêu gọi đầu tư. Còn nói với xã hội, người dân thành phố phải thực tế. Nơi nào ngập gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến đời sống người dân ở mức độ nào thì đó là vấn đề chính quyền TP phải xông vào giải quyết".
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố, công tác chống ngập trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng chưa như kỳ vọng của nhân dân. Thời điểm năm 2008, thành phố có 126 điểm ngập và tính đến 2011, đã xóa giảm 68 điểm. Đến cuối năm 2015, TP HCM còn 40 tuyến đường ngập, trong đó có 17 tuyến đường thường xuyên ngập mỗi khi mưa./.
Người dân TP HCM phải “bơi, lội” trên đường