Từ ngày 8/4 đến ngày 23/4/2020, anh Nguyễn Văn Khiêm, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới cùng 3 dân quân khác đã tham gia làm nhiệm vụ tại Chốt Kiểm dịch y tế liên ngành phòng chống dịch Covid-19 đặt tại xã Quảng Chu trên tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Đây là cửa ngõ trọng yếu ra vào tỉnh Bắc Kạn, cán bộ trực chốt phải có mặt suốt ngày đêm. Thậm chí tuần cuối cùng, lực lượng dân quân còn 2 người nên bản thân anh Khiêm phải trực 12 giờ/ngày. Việc tham gia chốt kiểm dịch của anh Khiêm có sự điều động của huyện Chợ Mới và được chấm công hàng ngày. Tuy vậy cho đến nay, dù đã nhiều lần kiến nghị, anh Khiêm và những dân quân khác vẫn chưa được nhận khoản phụ cấp tham gia chốt phòng chống dịch bệnh.
"Chúng tôi làm vì trách nhiệm thôi, không hẳn là vì tiền nhưng cái gì cũng phải rõ ràng. Một số anh em ở các thôn cũng không hài lòng với cách làm như vậy nên bây giờ điều động anh em đi làm nhiệm vụ rất khó. Anh em đều làm nông nghiệp, không có lương, phải tranh thủ đi làm tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Bây giờ bỏ công việc đi trực chốt cũng không an tâm"- anh Khiêm nói.
Cũng tương tự như các trường hợp dân quân của xã Quảng Chu, 3 dân quân khác của thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới cũng chưa nhận được bất cứ khoản phụ cấp nào. Anh Hoàng Văn Thăng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới cho biết: "Chúng tôi cũng đã có ý kiến lên Ban Chỉ huy quân sự huyện, đồng thời báo cáo với Đảng ủy, UBND thị trấn, sau đó Chủ tịch UBND thị trấn cũng đã có ý kiến với huyện từ tháng 10/2020, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức nào. Vừa rồi lại có đợt triệu tập anh em dân quân tham gia trực thì một số ý kiến cho rằng phụ cấp năm ngoái còn chưa trả mà giờ lại đi tiếp nên họ không đồng tình".
Ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết, khi lập chốt, huyện đã bố trí đủ kinh phí hỗ trợ hậu cần cũng như phụ cấp cho người tham gia. Cụ thể, ngoài số tiền mua trang thiết bị, UBND huyện đã tạm chuyển cho Công an huyện 80 triệu đồng, tuy nhiên việc giải ngân lại gặp khó khi áp dụng theo Nghị quyết số 37 ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19: "Thực hiện theo Nghị quyết 37 của Chính phủ không quy rõ có được chia nhỏ ca trực 24/24h hay không. Trong Nghị quyết 37 quy định một ca trực là 24/24h và không rõ ràng là hỗ trợ 130.000đ/ca trực cho bao nhiêu người. Tháng 2/2021 Chính phủ đã ra Nghị quyết số 16 thay thế Nghị quyết số 37 thì thực hiện đã rất rõ ràng, đó là hỗ trợ 150.000đ/ngày/người/ca trực. Đợt 2020 đang vướng như vậy, chúng tôi sẽ giao Phòng Tài chính xin hướng dẫn cụ thể của Sở Tài chính Bắc Kạn".
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn, từ ngày 8/4 đến 23/4/2020, 6 huyện của tỉnh Bắc Kạn đã thành lập 13 chốt kiểm dịch y tế liên ngành đặt tại các tuyến giao thông trọng điểm. Mỗi chốt gồm nhiều lực lượng, trong đó có dân quân và một số địa phương đã huy động cả cán bộ thôn bản tham gia. Tuy nhiên, tất cả các huyện đều gặp khó khi chi trả hỗ trợ cho các đối tượng diện không hưởng lương cũng như các lực lượng tham gia khác. Dù một số địa phương như Ba Bể, Chợ Đồn và Ngân Sơn đã tìm phương án “linh động” hỗ trợ phần nào cho lực lượng dân quân tham gia trực chốt nhưng các địa phương khác thì vẫn loay hoay chờ hướng dẫn từ cấp trên.
Hiện nay tại các chốt kiểm dịch y tế liên ngành tại Bắc Kạn, lực lượng dân quân tự vệ vẫn có mặt làm nhiệm vụ. Lúng túng trong thanh toán phụ cấp theo qui định cho dân quân tự vệ của tỉnh Bắc Kạn cần sớm được giải quyết dứt điểm, ghi nhận xứng đáng đóng góp của những con người đã và đang đóng góp quan trọng vào việc kiểm soát, ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh./.