Vợ chồng chị Huỳnh Thị Cẩm Tiên rời quê Kiên Giang lên Bà Rịa Vũng Tàu kiếm sống bằng nghề phụ hồ. Dịch bệnh bùng phát khiến vợ chồng chị thất nghiệp hơn 3 tháng nay. Dù đời sống khó khăn vì không có thu nhập nhưng vợ chồng chị Tiên không nôn nóng về quê như nhiều người khác mà cố gắng bám trụ lại TP.Vũng Tàu.
Theo chị Tiên, vợ chồng chị đưa ra quyết định như vậy là vì địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh, chính quyền và chủ nhà trọ cũng có những hỗ trợ cần thiết như: Giảm 50% tiền thuê phòng, hỗ trợ lương thực thực phẩm…:
"Ở quê cũng nhiều người bệnh vì dịch nên sợ không về. Ở đây cũng có các chị hỗ trợ, gạo trứng, rau củ quả cho thường lắm, không có tiền các chị ở khu phố cũng cho mượn nên thôi bám trụ ở đây", chị Tiên nói.
Do giãn cách kéo dài, vợ chồng chị Trương Hồng Hạnh, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Giày da Uy Việt, Khu công nghiệp Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu phải dừng việc hơn 2 tháng nay. Nhìn dòng người rời TP.Vũng Tàu về quê cũng khiến gia đình chị xao lòng. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ, vợ chồng chị Hạnh quyết định ở lại.
"Thì cũng vì con và nếu về quê bây giờ cũng không làm được gì. Cho nên cố gắng sao cho dịch bệnh mau qua để mình đi làm trở lại mình kiếm tiền. Cố gắng hết giãn cách đi làm được cũng vui lắm, mừng lắm", chị Trương Hồng Hạnh nói lý do.
TP. Vũng Tàu thu hút nhiều người lao động ngoại tỉnh đến làm việc. Đợt dịch bệnh vừa qua nhiều hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất phải đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động khiến nhiều lao động bị ảnh hưởng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội TP. Vũng Tàu cho biết, để hỗ trợ lao động gặp khó khăn, thành phố đã chi gần 200 tỷ đồng hỗ trợ theo Nghị định 68 của Chính phủ cho hơn 110.000 lao động tự do và 2.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động. Hiện thành phố đang tiếp tục chi trả đợt 2 cho những đối tượng lao động mất việc, lao động tạm hoãn, người dân gặp khó khăn...do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
"Gói hỗ trợ theo Nghị định 68 của Chính Phủ đến thời điểm này TP Vũng Tàu đã chi được 70%, bởi vì còn chi tiếp đợt 2. Các doanh nghiệp hiện chưa làm xong thủ tục, hồ sơ vì từ khi hết giãn cách thì người lao động mới quay lại để làm các thoả thuận tạm hoãn. Cứ lúc nào có đối tượng thì chi chọ họ vì đã dự trù kinh phí, hồ sơ đủ điều kiện thì ra quyết định chi cho người lao động", bà Nga cho biết.
TP. Vũng Tàu đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế-xã hội sau đợt giãn cách kéo dài. Với những lao động nghèo thì đây là cơ hội để họ tìm kiếm việc làm sau dịch khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang dần mở cửa trở lại./.