Tại buổi tọa đàm “Nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” diễn ra sáng nay (14/4), theo ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, lực lượng lao động có giảm, song từ đầu năm 2022 đã tăng trở lại. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Hiện nay chỉ có khoảng 66% lực lượng lao động qua đào tạo, trong đó 26% có bằng cấp chứng chỉ từ 3 tháng trở lên. Con số này rất thấp so với khu vực. Đáng chú ý, tỉ lệ lao động qua đào tạo có trình độ đại học chung của cả nước là 11% thì Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ đạt tỉ lệ 16%.
Ông Tào Bằng Huy cho rằng, ngoài nhân tố trình độ thì các nhân tố khác như: Tác phong làm việc, kỹ năng và ý thức nghề nghiệp, kể cả thể chất của người lao động cũng ảnh hưởng đến chất lượng cao nguồn lao động.
“Hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực như vậy ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh tương đối nhiều, bỏ lỡ các cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp cận với công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Thứ nhất là vẫn phải tiếp tục tăng cường đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, thứ 2 là tăng cường thể lực người lao động, ý thức tác phong công nghiệp, các kỹ năng làm việc, tiếp cận khoa học công nghệ”, ông Huy nói.
Về vấn đề đào tạo, ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (FALMI) cho rằng, nhu cầu người học đôi khi không phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường nên dẫn đến việc thiếu nguồn lực. Mặt khác, với những ngành nghề đòi hỏi chất xám, chuyên môn sâu thì rất ít người đủ năng lực vượt qua vòng loại.
Theo ông Đỗ Thanh Vân, chúng ta cần phải có thời gian đào tạo bổ sung cho nguồn nhân lực: “Giả sử các trường đã đào tạo đầy đủ kỹ năng nghề rồi nhưng khi tiếp cận với thực tiễn công nghệ sản xuất của doanh nghiệp thì cần phải đào bổ sung để chuyển giao những công nghệ đó để người lao động tiếp cận. Còn bao lâu thì lệ thuộc vào một số yếu tố. thứ 2 là kiểm tra đánh giá kết quả đầu ra của người học thì cũng phải có doanh nghiệp tham gia đánh giá”.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh xác định đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 35% (tăng trung bình 1%/năm). Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực với nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, sẽ mở rộng mô hình các cơ sở giáo dục đào tạo, xem xét triển khai thực hiện chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học trong nước và nước ngoài để thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng;
Khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học của tỉnh tập trung nguồn lực phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao để phục vụ triển khai các đề án Thành phố thông minh và vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương…/.