Dư luận Thành phố Hồ Chí Minh đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau liên quan đến đề xuất mới của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc sẽ tịch thu phương tiện nếu phát hiện tài xế có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu.
Theo anh Ngô Văn Phong ở quận 2, đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm là cần thiết, vì ý thức của nhiều người tham gia giao thông hiện nay còn rất kém. Nếu tịch thu phương tiện nhiều người sẽ phải cân nhắc có nên uống rượu bia.
“Đa phần những vụ tai nạn giao thông xảy ra đều do rượu bia. Theo tôi nên áp dụng triệt để chủ trương này. Những người khi đã uống rượu bia họ phải chuẩn bị tâm lí bị tịch thu phương tiện nếu tham gia giao thông. Nếu đã uống say thì chắc chắn họ không nên điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, anh Phong nêu quan điểm.
Cùng quan điểm đó, anh Châu Phim, ở quận Thủ Đức, cho rằng anh cũng ủng hộ nếu mức phạt cao hơn nữa để có tính răn đe. “Xử phạt nặng để răn đe là hợp lí. Cứ để những người ăn nhậu nhiều rồi điều khiển xe máy ra đường rất nguy hiểm”, anh Phim nói.
Bà Nguyễn Thị Tám, ở quận 9 bày tỏ: “Tịch thu xe sẽ làm cho người ta sợ, không uống rượu bia trước khi tham gia giao thông”.
Cũng có ý kiến cho rằng cần cân nhắc thêm về đề xuất này. Chị Phạm Thu Thảo, ở quận 2 mong muốn trước khi đưa quy định này vào thực tiễn, cần tuyên truyền cho người dân hiểu và nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Bởi với nhiều người, chiếc xe máy là phương tiện mưu sinh của cả gia đình, nếu bị tịch thu chỉ vì vô tình phạm luật thì cũng chưa hẳn là hợp tình.
Chị Thảo nêu suy nghĩ: “Theo tôi nên phạt tiền thì hợp lí hơn tịch thu phương tiện. Bởi có khi phương tiện bị tịch thu là xe họ đi mượn”.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, việc tịch thu phương tiện khi vi phạm nồng độ cồn là không hợp lý và vi phạm pháp luật hiện hành. Việc tịch thu tài sản của công dân phải do Tòa án hoặc Viện Kiểm sát phê chuẩn, không phải ngành nào cũng có quyền làm.
Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Cần xem xét lại đề xuất tịch thu xe bởi nó còn liên quan đến quyền sở hữu bởi có xe là xe đi mượn hay thuê hợp pháp. Người vi phạm là vi phạm hành chính, vì vậy cần phân định rõ vấn đề này”.
Xe máy cũng như những phương tiện cá nhân khác, là tài sản không nhỏ của người dân. Tịch thu phương tiện khi người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn là một trong những biện pháp để giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông. Nhưng để luật đi vào đời sống, nên chăng cần cân nhắc kỹ trước khi áp dụng đề xuất này vào thực tiễn./.