Tại văn bản gửi Chính phủ mới đây về việc cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề xuất cho phép các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3.
Theo đó, người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, lái xe sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện, đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đề xuất tịch thu xe máy khi người điều khiển cố tình đi vào đường cao tốc.
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng quy định nêu trên là cần thiết để đảm bảo tính mạng của những người tham gia giao thông. Theo đó, việc áp dụng chế tài tịch thu phương tiện là cần thiết để nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, khi trao đổi với VOV.VN, Luật sư Nguyễn Đăng Quang (Văn phòng Đăng Quang và cộng sự) cho rằng: “Mục đích bảo vệ tính mạng con người, giảm thiểu tai nạn giao thông lá rất đúng nhưng việc áp dụng chế tài tịch thu phương tiện tham gia giao thông là không khả thi”.
Giải thích cho quan điểm của mình, Luật sư Nguyễn Đăng Quang cho rằng: Thứ nhất: Chế tài tịch thu phương tiện thuộc sở hữu của người tham gia giao thông chưa được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định 171/2013/ND-CP về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang có hiệu lực pháp luật mới chỉ quy định mức xử phạt cao nhất đến 15 triệu đồng đối với hành vi người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là ô tô xe máy có nồng độ cồn cao trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở (Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP) , chưa quy định chế tài tịch thu phương tiện thuộc sở hữu của người tham gia giao thông đối với các hành vi vi phạm, chưa nói đến phương tiện vi phạm giao thông đó không thuộc sở hữu của người điều khiển phương tiện. Theo đó, có đề xuất thì Nghị định của Chính Phủ không thể quy định những chế tài mà chưa được quy định trong Luật xử phạt hành chính!
Điểm thứ hai được Luật sư Quang đưa ra là: Đề xuất trên không phù hợp với những quy định của Bộ Luật Dân sự quy định về chấm dứt quyền sở hữu tại Điều 254 BLDS tài sản bị tịch thu: Khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật.
Đối chiếu với điều luật này, theo Luật sư Quang, chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tịch thu bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, chưa có cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào khác được ra quyết định tịch thu bởi chưa được quy định chế tài tịch thu trong Luật xử lý vi phạm hành chính như đã nêu trên.
“Vì vậy, đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là chưa khả thi, phải đợi đến khi Quốc hội sửa lại Luật xử lý vi phạm hành chính” – ông Quang nhấn mạnh./.