Điều khiển xe khi say xỉn là hành vi đặc biệt nguy hiểm
Xung quanh kiến nghị Chính phủ của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc nâng mức xử phạt đối với xe quá tải, lái xe say rượu, đi xe máy trên đường cao tốc... với mức phạt cao nhất là tịch thu phương tiện, hiện đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Lý giải về kiến nghị này, tại buổi tọa đàm "Nâng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông” tại cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều tối 5/3, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, năm 2014 là năm đầu tiên giảm số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) xuống dưới 9.000 người. 2 tháng đầu năm 2015, TNGT tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí, số người chết giảm 13,8%. Nhưng riêng dịp Tết Nguyên đán số vụ TNGT và số người bị thương giảm rất sâu, nhưng riêng số người chết tăng 12,4% (310 người chết vì TNGT trong 9 ngày nghỉ Tết).
Qua nghiên cứu, bên cạnh việc chở quá tải đã giảm, nhưng vi phạm vẫn còn và diễn biến khá phức tạp. Hành vi chống người thi hành công vụ diễn ra ở nhiều nơi, hiện tượng vi phạm tải trọng xe vẫn còn diễn ra với mức chở quá 200-300%. Trong khi đó, tình trạng người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông.
Năm nay, số người cấp cứu vì rượu bia ít hơn, nhưng thực tế số người chết vì TNGT lại nhiều hơn. Nguyên nhân TNGT do xe máy là chính và vi phạm tốc độ, đi lạng lách đánh võng, chở quá số người quy định. Hành vi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi say xỉn là hành vi đặc biệt nguy hiểm, uy hiếp an toàn của chính người vi phạm và đặc biệt là uy hiếp an toàn xã hội, những người xung quanh.
Về hành vi đi xe máy trên đường cao tốc, theo ông Khuất Việt Hùng cần phải ngăn chặn sớm trước khi trở thành thói quen. Vì xe máy và ô tô là hai phương tiện rất khác nhau, độ ổn định và quỹ đạo di chuyển khác nhau. Trong khi đó, đường cao tốc kết cấu hạ tầng cao, đòi hỏi tính đồng nhất của phương tiện, khi xuất hiện phương tiện khác lạ thì sẽ gây nguy hiểm rất lớn. Hơn nữa, Luật Giao thông đường bộ cũng đã cấm mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc.
Ông Khuất Việt Hùng khẳng định: “Đối với hành vi đi xe máy trên đường cao tốc cần phải có chế tài thật nghiêm để gửi thông điệp đến người dân là nếu xảy ra thì hậu quả sẽ rất lớn”.
Không vi phạm Hiến pháp
Liên quan đến đề xuất tịch thu phương tiện bao gồm cả ô tô và xe máy nếu người điều khiển vi phạm về nồng độ cồn quá cao hoặc xe máy lưu thông vào đường cao tốc, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ khó thực thi vì xe máy, ô tô là tài sản thuộc sở hữu cá nhân, ngoài ra đề xuất trên cũng vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân trong Hiến pháp 2013.
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng giải thích rằng, hiện nay quy định về quyền sở hữu tài sản Hiến pháp đã quy định rất rõ. Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính uy hiếp gây nguy hiểm cho xã hội cao. Như vậy đã có cơ sở pháp lý để thực hiện quy định này. “Trong Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rất rõ thẩm quyền, vấn đề là trong thẩm quyền chúng ta triển khai như thế nào”, ông Hùng nói.
Cũng theo lý giải của ông Tô Văn Hòa, Trưởng khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội, nếu xét ở góc độ pháp lý, cần phân biệt một bên là giá trị cao của tài sản có thể bị tịch thu, một bên là quyền bảo hộ tài sản đó trong pháp luật. Khi đưa ra luật này thì yếu tố giá trị tài sản không được cân nhắc ở đây. Trong Hiến pháp 2013 quyền bảo hộ tài sản là rất cao nhưng điều đó không có nghĩa là loại trừ khả năng pháp luật có những chế tài liên quan đến tài sản vi phạm mà không kể đến giá trị của nó. Trong luật xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định về việc xử lý tài sản vi phạm, bộ luật Hình sự cũng có những quy định tương tự nên về mặt pháp lý và hiến định trong văn bản quy định thì những đề xuất này không vi phạm Hiến pháp.
Đề cập đến việc mức xử phạt có quá cứng nhắc nếu xe phạt không chính chủ, ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận: “Người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình. Còn việc tại sao lần đầu tiên vi phạm lại phạt nặng thế vì tai nạn thì không có lần thứ hai. Tai nạn xảy ra đầu tiên là sức khỏe bị tổn hại, nguy cơ mất mạng, uy hiếp tính mạng người khác thường trực. Rõ ràng 70% nguyên nhân tai nạn có yếu tố con người và do ý thức khi uống rượu say thì không kiểm soát hành vi của mình. Đây là lý do tại sao các quốc gia càng phát triển, họ càng coi đây là hành vi nguy hại cho xã hội phải ngăn ngừa”.
Hành vi điều khiển phương tiện cơ giới khi trong người có nồng độ cồn hiện cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng việc xử phạt. Cụ thể như Nhật Bản, sẽ xử phạt 3 đối tượng liên quan, gồm người uống và điều khiển phương tiện, người giao xe cho “người say lái xe” và người bán rượu cho người điều khiển xe. Nếu lái xe với nồng độ cồn 80mg/l có thể bị phạt tù 5 năm và phạt tiền 8.800 USD. Người giao xe cho người lái xe vi phạm cũng bị phạt tương ứng. Người cung cấp rượu cũng bị xử phạt tù 3 năm và phạt 3.000 USD, người ngồi cạnh người lái xe vi phạm cũng có thể bị phạt tù đến 3 năm. Ở Hàn Quốc, lần đầu tiên vi phạm, nồng độ cồn từ 50-99mg/l phạt tù 6 tháng, phạt tiền 3 triệu Won..../.