Trong suốt 30 năm kháng chiến chống Mỹ, hàng triệu thanh niên Việt Nam với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đã ra đi thề Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Và trong những năm tháng đó, biết bao người đã hy sinh, xương máu, thậm chí cả mạng sống để giành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Để tri ân những hy sinh của họ, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đền ơn đáp nghĩa những người có công với đất nước. Công tác này đã đạt được nhiều kết quả tốt, nhiều thương bệnh binh đã được giúp đỡ, hỗ trợ vượt qua được khó khăn, nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn có những trường hợp bị bỏ sót, vẫn còn nhiều ý kiến về sự chưa công bằng trong công tác thực hiện chính sách. Điều này thể hiện qua hàng trăm lá thư gửi về chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời". Và hôm nay, chúng tôi chuyển những băn khoăn thắc mắc này tới Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền |
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đúng vậy, vấn đề thực hiện chính sách cho người có công mặc dù Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều cố gắng với trên 8 triệu đối tượng người có công và 1,5 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên. Chính những chính sách trợ giúp đó đã tạo điều kiện cho đại bộ phận người có công có điều kiện có cuộc sống tốt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cũng còn có những đối tượng chưa được hưởng, còn có những đối tượng hưởng chưa đầy đủ, nhưng cũng còn có những đối tượng hưởng sai chính sách. Chính vì vậy, các thư phản ánh của công dân chính là cơ sở để giúp cho Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ngành Lao động có trách nhiệm phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tốt nhất để làm thế nào các đối tượng người có công sớm được hưởng. Vì vậy mà chúng tôi đã tham mưu cho Thủ tướng ra Chỉ thị 23 về tổng rà soát, thực hiện chính sách đối với người có công. Và đợt tổng rà soát này là một trong những cuộc tổng rà soát đầu tiên mang tính diện rộng với 7 đối tượng cơ bản đó là: liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng, nạn nhân ảnh hưởng chất độc da cam, cựu thanh niên xung phong, người có công giúp đỡ Cách mạng. Tôi nghĩ rằng, đây là một cuộc tổng rà soát có ý nghĩa và đầy trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công nhằm giải quyết kịp thời những trường hợp có công nhưng chưa được hưởng, đồng thời xử lý những trường hợp không đúng. Đó là đối tượng khai man để hưởng chính sách. Đương nhiên, đợt rà soát này cũng nhằm phát hiện những trường hợp gian lận hồ sơ để được hưởng chính sách cũng được xem xét và xử lý.
PV:Để rà soát trên diện rộng và không bỏ sót chắc chắn là một công việc rất phức tạp đòi hỏi nhiều công sức, thới gian. Vậy công tác này sẽ được thực hiện thế nào và những cơ quan nào sẽ tham gia?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đúng vậy, đợt tổng rà soát này là lần đầu tiên chúng ta làm và đối tượng rộng nằm rải rác ở các địa phương cơ sở. Hơn nữa, chiến tranh đã rời xa từ lâu, chính sách đối tượng cũng đã được điều chỉnh bổ sung cho từng giai đoạn kể cả đối tượng mức độ ưu đãi cũng khác. Đến gần đây khi điều kiện kinh tế phát triển thì mức độ ưu đãi và đối tượng cũng được mở rộng ra. Chính vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc để huy động các lực lượng của toàn xã hội cùng tham gia, đặc biệt là các tổ chức chính trị xã hội. Các đối tượng cùng tham gia rà soát cũng được tập huấn hướng dẫn kỹ trên cơ sở có kế hoạch lộ trình từng bước để thực hiện đạt kết quả như mong muốn.
PV:Thưa Bộ trưởng, trong nhiều đơn thư gửi về, khán giả phản ánh về tình trạng quan liêu, cảm tính của các cán bộ địa phương thực hiện chính sách khiến họ bị thiệt thòi. Vậy trong cuộc rà soát này, làm thế nào tránh tình trạng quan liêu, cảm tính của các cán bộ trực tiếp thực hiện rà soát? Tức là có kênh nào hoặc phương thức nào để phản ánh lại các cán bộ cấp cao hơn về chất lượng rà soát hay không?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi nghĩ rằng, đợt tổng rà soát này rất cần sự giám sát của nhân dân và trong quá trình giám sát nếu phát hiện ra cá nhân các thành viên trong đoàn giám sát làm chưa đủ, chưa đúng so với yêu cầu hoặc chưa đúng với sự việc thì có quyền phản ánh đến Mặt trận Tổ quốc, hay ngành Lao động từ cấp cơ sở, đến huyện, tỉnh và căn cứ vào phản ánh đó chúng tôi sẽ chỉ đạo xem xét.
PV:Thưa Bộ trưởng, một số thư gửi về có viết: chính sách, chế độ đối với người bị nhiễm chất độc hóa học da cam, với các TNXP còn rất nhiều bất cập, các Bộ, các ngành chức năng ban hành văn bản hướng dẫn chưa thực sự thống nhất gây khó khăn trong việc thực hiện. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Thanh niên xung phong (TNXP) cũng là một trong những đối tượng người có công, và thực hiện chính sách này đối với TNXP thì cũng có hàng ngàn thanh niên xung phong được công nhận là liệt sỹ, mấy chục ngàn TNXP được công nhận là thương binh, bệnh binh, và một số đối tượng TNXP cũng đã thực hiện chính sách như những chính sách đối tượng khác đó là hưởng trợ cấp một lần. Tuy nhiên, việc hưởng chính sách đối với TNXP thì thủ tục hồ sơ xác nhận do điều kiện đối tượng này, hồ sơ gốc không đầy đủ nên Chính phủ đã giao cho các cơ quan chức năng. Ví dụ như Hội cựu TNXP, cùng với cá nhân TNXP lập hồ sơ xác nhận, rồi đến Bộ Nội vụ chỉ đạo Sở Nội vụ các địa phương, trên cơ sở các đề nghị đó sẽ lập danh sách báo cáo với lãnh đạo tỉnh để quyết định đối tượng này là TNXP và chuyển sang hồ sơ để ngành lao động thực hiện. Tôi nghĩ bản thân TNXP cũng là đối tượng người có công, họ cũng được thực hiện và bản thân các quy trình cũng thực hiện giống các đối tượng người có công khác.
PV:Thưa Bộ trưởng, trong quá trình tổng rà soát chính sách nếu phát hiện một số trường hợp đến nay chưa được xem xét xác nhận người có công thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có hướng xử lý như thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trên cơ sở rà soát Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp tất cả các trường hợp phát hiện.
Một là: Chưa được thực hiện. Hai là: thực hiện chưa đầy đủ, ba là thực hiện sai, trên cơ sở đó tổng hợp lại để xem xét từng trường hợp báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh để xem xét xử lý, ví dụ như trường hợp chưa được giải quyết thì phải được sớm giải quyết ngay, trường hợp thiếu thì bổ sung, trường hợp sai thì phải cắt không cho hưởng. Với một quy trình rất cụ thể, ví dụ như trong trường hợp đối với những người tham gia kháng chiến là đối tượng có công nhưng chưa được hưởng ra mắt hồ sơ thì đã có Thông tư số 28 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Quốc phòng để giải quyết vấn đề này.
Đối với TNXP, giao cho Bộ Nội vụ, cựu TNXP lập danh sách báo cáo với tỉnh, trên cơ sở đó có quyết định thì giải quyết. Còn những trường hợp là nạn nhân chất độc da cam thì bản thân Nghị định 31 của Chính phủ triển khai Pháp lệnh người có công sửa đổi cũng đã quy định rất là rõ là Bộ Lao động đã hướng dẫn cách lập thủ tục hồ sơ những trường hợp còn tồn đọng.
Giao cho Bộ Y tế triển khai giám định khả năng mất sức lao động của từng đối tượng do ảnh hưởng của chất độc màu da cam để chúng ta thực hiện. Như vậy, tất cả các đối tượng người có công mà khi phát hiện chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ thì đều có quyền được hưởng trên cơ sở có hồ sơ để cơ quan trách nhiệm như Bộ Lao động và một số các ngành liên quan xem xét xác nhận đủ điều kiện ra quyết định.
PV: Đây là những lá thư của thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ gửi về cho chương trình. Có nhiều thương bệnh binh tham gia kháng chiến từ thời chống Pháp, giờ tuổi đã ngoài 80 nhưng chưa được nhận chế độ nào và đến nay, họ vẫn hằng ngày mong ngóng. Quỹ thời gian của họ không còn nhiều, và trong hầu hết các lá thư đều nhờ chương trình chuyển đến tận tay Bộ trưởng. Chúng tôi xin gửi trực tiếp các lá thư này tới Bộ trưởng và hy vọng vướng mắc của các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ sớm được rà soát, giải quyết.
Xin cảm ơn Bộ trưởng đã tham gia chương trình!./.