Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Hiến pháp sửa đổi, mở ra một không gian rộng lớn trong việc phát huy dân chủ, và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Với 11 chương và 120 điều, việc sửa đổi lần này có những đổi mới quan trọng.

Tuy nhiên, dù là đạo luật cơ bản ai cũng biết, nhưng khi Hiến pháp đi vào cuộc sống, muốn phát huy tác dụng thì cần phải có một hệ thống văn bản luật và dưới luật thực sự đồng bộ, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Các quy định của Hiến pháp sẽ chỉ là quy định “treo” nếu không được luật hóa một cách chính xác và cụ thể.

Trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ trả lời một số câu hỏi của người dân về vấn đề hoàn thiện thể chế để nhanh chóng đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống.

PV: Thưa Bộ trưởng! Vấn đề quyền con người trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 được đánh giá là tiến bộ nhiều so với trước. Nhiều thính giả đề nghị Bộ trưởng nói rõ hơn về những tiến bộ này được thể hiện như thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường:Hiến pháp thể hiện ở 4 điểm rất lớn: Thứ nhất, nếu Hiến pháp 1992, quyền cơ bản và nghĩa vụ của công dân đã được quy định ở chương 5 thì ngày hôm nay chương về quyền con người tên gọi cũng khác, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được nâng lên và quy định ngay tại chương 2, sau chương về chế độ chính trị. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của vấn đề quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp. Đó là về mặt hình thức.

29082012-bt-4-(medium).jpg
Bộ trường Hà Hùng Cường trả lời Chương trình dân hỏi Bộ trưởng trả lời

Thứ hai, quan trọng hơn, ngay điều 14 điều đầu tiên của chương này xác định hai nguyên tắc rất quan trọng: Một là quy định rất rõ, ở nước ta quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Nhưng điều thứ hai này rất quan trọng ở chỗ, cũng tại điều này, khoản 2 Hiến pháp khẳng định, những quyền cơ bản đó của con người, của công dân chỉ có thể hạn chế bằng luật và chỉ trong nhưng trường hợp cần thiết như: Lí do quốc phòng an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn và trật tự công cộng, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và bảo đảm đạo đức của xã hội.

Chỉ 4 trường hợp cần thiết đó mới được hạn chế bằng luật các quyền con người, quyền công dân.

Thứ ba, khác với năm 1992 đó là phân biệt rõ chỗ nào là quyền con người, chỗ nào là quyền công dân. Trong số 26 điều quy định trực tiếp về quyền con người, quyền công dân thì có đến 15 điều quy định về quyền con người.

Ở đây ý nghĩa là, những quyền tự nhiên của con người, người ta sinh ra đã có rồi, không phải ai ban phát cả, mà trách nhiệm của nhà nước phải bảo vệ, bảo đảm thực hiện những quyền đó.

Còn quyền công dân gắn với quốc tịch, người có quốc tịch Việt Nam thì mới có quyền công dân, chẳng hạn như bầu cử. Đó là điều được phân biệt rất rõ ràng đối với Hiến pháp sửa đổi năm 1992.

Còn một điều nữa cũng rất quan trọng, không những Hiến pháp 2013 kế thừa phát triển làm sâu sắc những quyền mà con người, quyền công dân đã được quy định ở trong Hiến pháp 1992 mà còn mở rộng phát triển bổ sung các quyền khác.

Ví dụ về vấn đề về mở rộng phát triển như quyền sống, lần đầu tiên Hiến pháp chúng ta quy định: Mọi người đều có quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, và việc tước đi tính mạng của con người chỉ bằng luật định. Hoặc về việc sâu sắc thêm, ví dụ lĩnh vực kinh tế, trước đây quy định sở hữu hợp của cá nhân được pháp luật bảo hộ, còn bây giờ trong bản Hiến pháp mới chúng ta quy định sở hữu tư nhân được bảo hộ…

Nói qua như vậy để thấy rằng, đây là điểm sáng của bản Hiến pháp 2013, thể hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta từ thời kỳ thành lập đến giờ là tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

PV: Một thính giả cao tuổi gửi thư về chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời bày tỏ băn khoăn: Ngay cả các quy định trong Hiến pháp năm 1992 về quyền, nghĩa vụ công dân cũng chưa hẳn đã được luật hóa hết. Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2014 lại tiếp tục đặt ra một khối lượng công việc rất lớn, còn nhiều quy định chưa được luật hóa. Vậy đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng này thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nhân dân vừa rồi đã ghi nhận, đánh giá, dư luận quốc tế cũng đã ghi nhận điều này và rất hoan nghênh.

Việc Quốc hội chúng ta thông qua bản Hiến pháp 2013, là một bước tiến lớn về nhận thức và tư duy lý luận của Đảng và Nhà nước ta về vị trí và vai trò của Hiến pháp trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với giá trị chung của nhân loại và Hiến pháp, cũng phù hợp với xu thế chung của thời đại. Bằng việc Quốc hội thay mặt cho cử tri cả nước để thông qua bản Hiến pháp đó để ghi nhận quyền lực thuộc về nhân dân.

Nhân dân trao một số quyền lực đó cho Nhà nước thực hiện và đồng thời nhân dân cũng dành lại một số quyền con người, quyền cơ bản của công dân để ghi nhận trong Hiến pháp và yêu cầu Nhà nước, là người nắm quyền lực của nhân dân, phải có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện những quyền đó.

Phải nói rằng, vấn đề tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng xuyên suốt các bản Hiến pháp của nước ta từ 1946 đến bây giờ, chứ không phải riêng năm 2013.

Hiến pháp 1992 đã có bước tiến rất lớn, đó là lần đầu tiên chúng ta ghi nhận việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, quyền con người đó phần lớn lại được lồng ghép vào các quyền công dân.

Một số quyền cho đến ngày hôm nay, còn đang bị “treo” hoặc bị chậm cụ thể hóa, một phần phải nói rằng, nó cũng chưa được đưa chương trình xây dựng luật của Quốc hội, và một phần cũng phải nói là do lỗi của các cơ quan chuẩn bị dự án luật.

Còn về giải pháp khắc phục, lần này có tinh thần rất rõ, Quốc hội thông qua Hiến pháp đồng thời cũng thông qua Nghị quyết thi hành Hiến pháp. Căn cứ Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Hiến pháp và Chính phủ cũng ban hành kế hoạch để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những dự kiến, đầu luật rất rõ ràng quy định thời gian rất cụ thể cho quá trình tổ chức thực hiện sắp tới, đặc biệt là xác định quyền con người, quyền công dân là một trong hai lĩnh vực được ưu tiên để Quốc hội quan tâm ban hành các điều luật.

Trước hết là có chương trình, kế hoạch, và Quốc hội cũng rất gay gắt trong vấn đề kỷ cương, kỷ luật soạn thảo các văn bản như vậy. Trách nhiệm giao cho Bộ Tư pháp cũng được giao rất rõ ràng, riêng về lĩnh vực quyền con người, quyền công dân, trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng ra yêu cầu Bộ Tư pháp phải đứng ra rà soát tất cả những việc này để có thể thực hiện cho tốt.

Và thậm chí Thủ tướng còn yêu cầu phải thành lập một hội đồng tư vấn để thẩm định, để xem xét tất cả những luật này được ban hành ra trên tinh thần, nội dung của Hiến pháp.

PV: Thưa Bộ trưởng, việc xây dựng và ban hành các luật để đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân sẽ được thực hiện như thế nào và trong thời gian bao lâu? Chúng ta có một mốc thời gian cụ thể cho việc này hay chưa?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Theo dự kiến mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành, và Chính phủ cũng căn cứ vào đó đã ban hành, có đến 28 đạo luật sắp tới đây cần được sửa đổi bổ sung, cần được ban hành mới để chúng ta cụ thể hóa trực tiếp những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân.

Trong 28 văn bản đó, có 12 văn bản thuộc lĩnh vực quyền dân sự chính trị và 16 văn bản thuộc lĩnh vực quyền kinh tế văn hóa xã hội của người dân. Hiện nay tất cả đang được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tới đây Quốc hội họp sẽ thông qua chương trình xây dựng pháp luật của 2015, về cơ bản là được ưu tiên, cho nên những luật, bộ luật về quyền con người, quyền công dân sẽ được Quốc hội xem xét ban hành trong năm 2015, 2016 có những vấn đề trong năm 2014 này đã được thực hiện rồi.

PV: Thưa Bộ trưởng, vừa qua dự luận xã hội và ngay cả diễn đàn Quốc hội rất quan tâm tới một số vụ án oan sai, trong đó quyền bào chữa, quyền tự bảo vệ của người dân trong quá trình tố tụng chưa được bảo đảm, ví dụ như vụ “ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang”. Vậy các luật mà Bộ trưởng vừa nói tới có thể sẽ khắc phục tình trạng đó như thế nào trong thời gian tới?    

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Đây cũng là một trong những điểm tôi cho là rất quan trọng vừa rồi được sửa đổi bổ sung và quy định rất sâu sắc trong bản Hiến pháp 2013.

Ví dụ như, lần đầu tiên Hiến pháp khẳng định tòa án xét xử phải bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, có nghĩa là phải có người bào chữa, phải có luật sư.

Thứ hai, quyền được mời luật sư bào chữa đã được mở rộng ra một cách đáng kể. Trước đây theo quy định của Hiến pháp, cũng như của Bộ luật Tố tụng hình sự, người dân có quyền mời luật sư khi mà bị khởi tố bị can. Còn bây giờ Hiến pháp đã bổ sung là người bị bắt, kể cả bắt quả tang rồi người bị giữ, tạm giữ, người bị tạm giam, người bị điều tra đều có quyền tự mình bào chữa hoặc mời luật sư bào chữa, để làm sao tránh những sự oan sai.

Một điều quan trọng nữa, trong Hiến pháp lần này làm rõ hơn nguyên tắc suy đoán vô tội. Trước đây, quy định rằng người ta không có tội, khi nào chưa có bản án có hiệu lực của tòa án kết tội người đó. Bây giờ thêm một điều kiện rất quan trọng đó là việc buộc tội đó phải được chứng minh thì mới có bản án.

Một điểm nữa cũng không kém phần quan trọng mà Quốc hội cũng rất quan tâm, yêu cầu người bị xét xử phải được tòa án xét xử đúng trình tự và đúng thời hạn luật định. Tất cả những điều đó đều là những quy định mở, để cho những bộ luật, đạo luật sắp tới đây có những quy định cụ thể bảo vệ cho những người chẳng may rơi vào vòng lao lý như vậy để làm sao khắc phục được những oan sai như trường hợp của ông Chấn vừa qua.

Tôi lấy ví dụ cụ thể như Bộ luật Tố tụng hình sự chúng ta làm mới nhưng với những quy định mới của Hiến pháp này, Bộ luật Tố tụng hình sự có một điểm rất quan trọng, đó là phải quy định rất cụ thể quyền được bào chữa của người từ khi bị bắt, bị tạm giam, bị giữ, bị khởi tố xét xử…, rồi quyền của luật sư như thế nào?

Đặc biệt phải dành quyền chủ động của luật sư để tranh tụng, thực hiện nguyên tắc tranh tụng, và muốn tranh tụng được thì luật sư phải tự thu thập chứng cứ, tự chứng mình, tranh luận, và yêu cầu kiểm sát viên giữ quyền công tố cũng phải có tranh luận lại với luật sư.

Đây là hướng quan trọng trong Bộ luật Tố tụng hình sự sắp tới để bảo đảm thực hiện những quy định đó của Hiến pháp. Một ví dụ nữa là, chưa bao giờ Hiến pháp chúng ta quy định là việc bắt giữ, giam người phải theo luật định. Đây là lần đầu tiên Hiến pháp nước ta quy định rất nguyên tắc như vậy. Hiện nay đang xây dựng luật về tạm giữ, tạm giam để thực hiện quyền đó.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.