Theo hướng dẫn thực hiện Chương trình Tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc thực hiện tổng rà soát tập trung vào 7 đối tượng: liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong. Phạm vi rà soát được tiến hành trên phạm vi toàn quốc, các thôn bản, làng, ấp, bản, khu phố, tổ dân phố.

Cuộc tổng rà soát có quy mô lớn nhất từ trước đến nay
Ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục người có công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, các đối tượng trên phải là người có tên trong danh sách người có công với cách mạng do Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, tỉnh, thành phố thuộc tỉnh quản lý (đã được cấp có thẩm quyền công nhận là người có công với cách mạng) tại thời điểm trước ngày 31/3/2014. Người tham gia hoạt động kháng chiến nhưng chưa được xem xét xác nhận người có công do khu dân cư trong quá trình rà soát, phát hiện đề xuất. Trường hợp người có công đã chết nhưng thân nhân đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng vẫn thuộc diện lập danh sách rà soát. Trường hợp một liệt sĩ có nhiều thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi thì lập danh sách tất cả các thân nhân của liệt sĩ.

chu%20tich%20nuoc.jpg
Chủ tịch nước thăm, tặng quà người có công (ảnh: KT)

Trường hợp một thân nhân người có công đang hưởng từ 2 chế độ trợ cấp tiền tuất hằng tháng của hai người có công trở lên thì thống kê riêng theo từng phiếu rà soát. Trường hợp thân nhân của người có công đang hưởng từ 2 chế độ trợ cấp ưu đãi trở lên thì lập 2 phiếu rà soát. Trường hợp người có công có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng đi làm ăn xa ủy quyền cho thân nhân hưởng trợ cấp ưu đãi vẫn thuộc diện kê khai rà soát. Thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi. Thân nhân liệt sĩ còn là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 – 2015, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Để đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người có công, đáp ứng nguyện vọng của người có công và toàn xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì cùng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong cả nước, trong 2 năm 2014 - 2015.

Cả nước đã xác nhận được trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm gần 10% dân số. Hiện có trên 1.470.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Đây là cuộc tổng rà soát có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với người có công trên phạm vi toàn quốc, thể hiện tấm lòng của hơn 90 triệu dân Việt Nam với các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công và cũng là hoạt động thiết thực phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước....

“Đây là chủ trương hết sức có ý nghĩa cả về mặt xã hội và quản lý Nhà nước, là dịp tốt để khẳng định chính sách ưu đãi đã được triển khai thực hiện tốt với tuyệt đại đa số người có công. Đồng thời là cơ hội rà soát các thiếu sót, sai sót và phát hiện những điểm chưa hợp lý trong chính sách và thực hiện chính sách đối với người có công”- Ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Từ tháng 7- 9/2014, sẽ công bố kết quả rà soát

Theo lịch trình thực hiện chương trình thì đến tháng 4/2014, mỗi quận, huyện chọn 1 xã, phường, thị trấn để thực hiện rà soát thí điểm, rút kinh nghiệm để tổ chức tổng rà soát trên toàn tỉnh, thành phố. Từ tháng 5 đến tháng 7/2014 sẽ rà soát các xã, phường, thị trấn còn lại. Từ tháng 7- 9/2014 các tỉnh sẽ công bố kết quả rà soát. Từ tháng 10/2014 đến tháng 7/2015, trên cơ sở báo cáo của cấp huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh. Đến tháng 8/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh gửi báo cáo kết quả Tổng rà soát đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Người có công) và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (qua Ban Phong trào).

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
Riêng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an căn cứ tài liệu hướng dẫn tổng rà soát để thực hiện việc rà soát đối với người có công đang tại ngũ và gửi báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Người có công) và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (qua Ban Phong trào) trước ngày 2/9/2014.

Tháng 10/2015, Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ và Quốc hội kết quả việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi với người có công trong cả nước, cùng với đó tổng kết việc thực hiện tổng rà soát.

Theo Bộ Tài chính, kinh phí đảm bảo cho việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015 sẽ được hướng dẫn trước 30/3/2014.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên chúng ta huy động tất cả các tổ chức chính trị - xã hội tham gia và có phân công cụ thể. Đây là một việc khó, nhưng khó mấy cũng phải làm. Do đó, trong quá trình thực hiện, những người được phân công tham gia từ Trung ương đến địa phương phải nắm chắc các đối tượng và các chính sách hiện hành liên quan đến từng đối tượng để việc thực hiện đạt hiệu quả tối ưu. Việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn phải chu đáo để khi thực hiện lập được danh sách chính xác nhất để gửi các cấp có thẩm quyền. Mỗi đối tượng phân công cho một đoàn thể thì các đoàn thể lại phải tập huấn, hướng dẫn và cùng các cơ quan chuyên môn tham gia để cùng trao đổi, hướng dẫn, giải đáp...

“Quan trọng hơn, từ thực tế công việc để phát hiện những bất cập từ việc thực hiện chính sách, trên cơ sở đó có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để hoạch định chính sách hợp lý hơn....”- Bộ trưởng Hải Chuyền nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến đóng góp của các địa phương, bộ, ngành, để sớm có hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách đối với người có công./.