Mặc dù thời gian qua ngành chức năng TP HCM đã có nhiều nỗ lực vận động người dân không sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường, nhưng thói quen sử dụng loại túi này vẫn đang là rào cản việc loại bỏ túi ni lông khỏi đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân.
Túi ni lông được người dân TPHCM thường xuyên sử dụng để chứa đựng đồ. |
Túi ni lông là thứ không thể thiếu trong sạp hàng nhỏ của các tiểu thương tại chợ Bầu Cát, quận Tân Bình, TP HCM. Dù khách mua vài quả chanh, hai ba quả ớt, một ít rau... thì cũng đều được chủ hàng đưa túi ni lông để đựng… Rồi tất cả những thực phẩm đó, lại được đựng trong một túi ni lông khác lớn hơn. Đây cũng là thói quen phục vụ khách của người bán hàng ở các khu chợ truyền thống. Dù biết rằng dùng túi ni lông sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, nhưng nếu phải bỏ ra vài chục đến cả trăm ngàn đồng mua chiếc túi chất liệu khác để đựng đồ khi đi chợ thay cho dùng túi ni lông xem ra cũng không dễ dàng với mỗi người.
Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, một tiểu thương tại chợ Bầu Cát, quận Tân Bình, TP HCM cho biết: “Nói chung là nếu mình dùng túi phân hủy thì đỡ ảnh hưởng môi trường, sạch sẽ nhưng 1kg túi tiêu hủy có số lượng túi ít hơn túi ni lông thông thường. Chính vì thế các tiểu thương không thích dùng túi ny lông tiêu hủy”.
Rẻ, dễ mua, dễ sử dụng, thậm chí còn được phát miễn phí khiến túi ni lông tràn ngập mọi nơi. Cũng bởi nhiều người hiện nay đang phụ thuộc quá nhiều vào loại túi này nên đã quên đi các loại túi khác hay những loại hộp đựng có thể sử dụng nhiều lần và không gây hại cho môi trường. Hiện nay, nhiều người dân ở TP HCM đã thay đổi thói quen dùng các hộp đựng thực phẩm để thay thế túi ni lông, tuy nhiên để mọi người cùng thực hiện việc này thì còn nhiều khó khăn.
Chị Cao Yến Bình ở quận 7, TP HCM chia sẻ: “Tôi thấy trong buổi sáng mọi người thường mua đồ ăn sáng sẽ phải sử dụng túi ny lông và các loại hộp khó phân hủy. Nếu mọi người cố gắng sử dụng những “cặp lồng” hoặc những hộp sử dụng nhiều lần để hạn chế sử dụng túi ny lông thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ khi đi chợ hay đi siêu thị, túi ny lông được sử dụng nhiều bởi nó thuận tiện và phần lớn người lao động ở TP HCM muốn tiết kiệm tiền, họ không muốn bỏ một số tiền lớn để mua một cái túi đựng đồ”.
Người dân TP HCM thường xuyên sử dụng túi ni lông khi đi chợ mua đồ. |
Hiện nay, trung bình có 9.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường TP HCM mỗi ngày, trong đó có đến 1.800 tấn rác thải nhựa. Tuy nhiên, chỉ 20% trong tổng lượng rác thải nhựa được thu gom và tái chế nhưng bằng công nghệ thô sơ, lạc hậu. Các cơ sở này không được đầu tư đồng bộ, nhất là khâu xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, tái chế nên đang gây ô nhiễm cho môi trường. Còn với rác thải sinh hoạt, lại không được người dân, hộ gia đình thực hiện phân loại trước khi chuyển giao. Hơn nữa, rất khó phân loại tách bạch rác thải nhựa ra khỏi rác thải sinh hoạt bởi hiện tại người dân chưa thay đổi thói quen sử dụng bao ni lông đựng rác.
Trong sự kiện phát động toàn quốc chống rác thải nhựa ngày 9/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác nhựa, trôi nổi trên các đại dương. Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đồng thời Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Hưởng ứng điều đó, cùng chung tay bảo vệ môi trường thì mỗi người dân TP HCM và cả nước cần thay thế thói quen tiêu dùng, cùng biến rác nhựa thành đồ vật có ích và tạo thói quen phân loại rác tại nguồn trước khi vứt bỏ./.Rác thải nhựa là rác thải hay tài nguyên?