Là quốc gia có gần 40 triệu người dân thường xuyên sử dụng Internet và hơn 22 triệu người sở hữu điện thoại thông minh, Việt Nam có nhiều lợi thế khi bước vào thị trường sách điện tử. Thế nhưng, sau hơn 5 năm hoạt động, thị trường sách điện tử tại nước ta vẫn chưa thực sự khởi sắc vì nhiều lý do. Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc người làm sách điện tử và cả độc giả cần thay đổi tư duy để cải thiện tình hình không mấy khả quan này.
(Ảnh minh họa. Nguồn: KT) |
Hiện nay, cả nước có 7 đơn vị tham gia thị trường sách điện tử có bản quyền như: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố, Tiki, Vinabook, Công ty Sách Phương Nam... Sở hữu nhiều ưu thế khi giá chỉ bằng khoảng 15 đến 30% sách giấy, đọc được trên nhiều phương tiện, dễ dàng truy cập, cập nhật nhiều sách mới...
Ngay từ khi ra mắt tại thị trường Việt Nam, sách điện tử đã được phần lớn độc giả trẻ lựa chọn. Thế nhưng, sau 5 năm triển khai, đến nay, thị trường sách điện tử ở nước ta vẫn “giậm chân tại chỗ” dù được đánh giá là rất tiềm năng. Theo ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, sở dĩ thị trường sách điện tử tại Việt Nam chưa đạt được kết quả như mong muốn là vì còn nhiều rào cản.
“Chủ trương của chúng ta đã có nhưng chưa thực hiện một cách triệt để. Nguyên nhân thứ hai là người Việt Nam có thói quen dùng sách giấy nhiều hơn sách điện tử. Bên cạnh đó, việc một số cơ chế, chính sách để quản lý và tạo điều kiện cho sách điện tử phát triển chưa được quan tâm một cách thỏa đáng. Nguyên nhân tiếp theo là do thị trường thanh toán tài khoản để sử dụng sách điện tử chưa thành thói quen, cũng như chưa có những chế tài phù hợp” – ôngNguyễn An Tiêm phân tích.
Chưa kể đến chi phí quảng bá, phát hành, chi phí số hóa mỗi tựa sách cũng đã mất khoảng 1 triệu đồng. Với những đơn vị có kho sách lớn, số tiền phải bỏ ra để xuất bản sách điện tử có khi lên đến 20 - 30 tỷ đồng, trong khi đó, số tiền thu về từ sách điện tử chỉ bằng 20 đến 30% giá sách giấy. Sản phẩm làm ra giá thành cao còn phải cạnh tranh với kho sách điện tử “lậu” xuất hiện nhan nhản trên thị trường, nhiều đơn vị rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên.
Ông Hồ Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ thông tin NAISCORP, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp phát triển thị trường sách điện tử tại Việt Nam cho rằng, chính việc không đủ sức cạnh tranh với hàng loạt kênh cung cấp sách điện tử không phép trên thị trường đang khiến nhiều nhà xuất bản, công ty sách ở nước ta chẳng mấy mặn mà với loại hình này.
Ông Đức chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi đang gặp phải chính là việc thuyết phục các nhà xuất bản, đặc biệt là những nhà xuất bản đi chậm hơn so với xu thế phát triển về công nghệ. Rào cản mà chúng tôi gặp phải đó chính là vấn đề bản quyền. Có thể nói, chưa ở quốc gia nào mà việc vi phạm bản quyền và văn hóa không trả tiền bản quyền trên môi trường Internet phát triển như ở Việt Nam hiện nay. Rào cản bản quyền cũng như công nghệ khiến nhiều nhà xuất bản, nhà phát hành không muốn tham gia thị trường này”.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự lỏng lẻo của luật cùng với thói quen sử dụng sách không có bản quyền trên Internet của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam đang hạn chế sự phát triển của thị trường sách điện tử trong nước. Thế nhưng, theo ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Công ty Sách điện tử của Nhà xuất bản Trẻ, việc thị trường sách điện tử còn èo uột như hiện nay có phần trách nhiệm của các đơn vị làm sách và cơ quan chức năng.
Ông Đồng Phước Vinh nói: “Độc giả chỉ ủng hộ khi sản phẩm chúng ta làm ra tốt. Những lời kêu gọi khác chẳng qua là hô khẩu hiệu. Thị trường phải được tạo ra từ nội dung thực chất và sự tiện dụng của công nghệ đọc ebook, cũng như sự dễ dàng của cổng thanh toán. Những việc này không nằm trên vai độc giả mà năm trên vai nhà nước và các nhà xuất bản. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần siết lại sân chơi không bình đẳng hiện nay”.
Khó khăn nhiều, bất cập cũng lắm, tuy nhiên, ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành cho rằng, duy trì và mở rộng thị trường sách điện tử là xu thế không thể thay đổi trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Vấn đề là người trong cuộc cần nghiêm túc phân tích tình hình, thay đổi tư duy để đưa ra những giải pháp cụ thể tháo gỡ các rào cản trước mắt.
Ông Chu Hòa cho rằng: “Nếu muốn tồn tại chúng ta buộc phải chuẩn bị cho tương lai. Tương lai này thật ra mà nói không còn xa nữa. Nó gần đến mức nếu một thời gian nữa, đơn vị nào trong chiến lược phát triển của mình mà chỉ có “giấy”, chỉ có những xuất bản phẩm truyền thống không thôi thì chắc chắn sẽ không có chữ phát triển bền vững”.
Siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng, tăng cường liên kết, giảm giá thành cổng thanh toán từ 15 đến 55% hiện nay xuống dưới 5% như các nước tiên tiến đang áp dụng, đa dạng hình thức chi trả... là những giải pháp mà cơ quan chức năng cùng các đơn vị sản xuất, phát hành sách điện tử đề ra với mong muốn ổn định và phát triển thị trường này.
Nếu những giải pháp đồng bộ được triển khai, thực hiện hiệu quả thì trong tương lai không xa, thị trường sách điện tử Việt Nam sẽ thực sự khởi sắc như nhiều quốc gia trên thế giới./.