Trả lời câu hỏi của một độc giả “Làm thế nào để tách trẻ nhỏ ra khỏi những thiết bị công nghệ để chúng yêu thích đọc sách?”, dịch giả Trần Lê Thuỳ Linh cho rằng: “Con cái có thích đọc sách hay không phần lớn là do bố mẹ. Nếu gia đình nào bố mẹ thích đọc sách, thì con cái cũng sẽ có sự bắt chước ngay từ nhỏ. Nhưng nếu bố mẹ suốt ngày xem tivi, hay bất cứ lúc nào cũng cắm cúi vào iphone, ipad, máy tính…thì không bao giờ có thể mong đợi trẻ nhỏ sẽ thích đọc sách. Chúng ta không thể bắt trẻ nhỏ đọc sách trong khi bố mẹ cả ngày dùng máy tính, lướt facebook. Cha mẹ cần là tấm gương cho con”.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên văn học ĐHSP Hà Nội, chủ nhiệm CLB “Sách ơi mở ra” kể về trường hợp con chị: “Khi còn bé rất thích sách, mỗi khi mẹ đọc thì dù làm gì, nó cũng chạy vào xem. Nhưng khi vào lớp 1 con tôi không theo kịp tốc độ cô giáo dạy, và thiếu tự tin, từ đó cháu rất sợ đọc sách.
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm. (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Để khuyến khích con đọc sách, tôi để sẵn ở đầu giường 1 ngăn sách nhỏ, mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi đọc sách cùng con. Những cuốn sách như “10 vạn câu hỏi vì sao”, tôi đọc câu hỏi và câu trả lời, sau đó tôi gấp sách lại để con tự nhớ và trả lời lại. Cứ như vậy, sau một tháng, cháu tự tin hơn rất nhiều. Đến bây giờ, thì cháu đã thích đọc trở lại và còn đọc được những cuốn như “Lịch sử loài người, sách về Hitler…
Vấn đề không phải là trẻ con thích hay không thích đọc sách, mà là cách người lớn khuyến khích trẻ con đọc sách như thế nào, có kiên trì hay không? Bởi trong mỗi đứa tẻ luôn có sự tò mò bẩm sinh, nên chúng có tiềm năn đọc sách, vấn đề là người lớn cần biết cách để biến tiềm năng đó thành hiện thực”.
Em Trần Đào Việt Hưng, học sinh lớp 5, trường tiểu học Nghĩa Tân, thành viên CLB “Sách ơi mở ra” chia sẻ cảm nhận rất lý thú về niềm yêu thích đọc sách: “Khi đọc sách, cháu cảm thấy trí tưởng tượng của mình được thoả mãn, thoải mái. Có cuốn sách làm cháu rơi nước mắt, có cuốn lại “cười vỡ bụng”, có cuốn lại tức giận…Có cuốn sách, cháu đọc xong, thì “khóc hết nước mắt”…”
Khi được hỏi, thích đọc sách hay chơi điện tử hơn, Việt Hưng trả lời: “Khi chơi game, cháu chỉ như một con rô-bốt, chỉ biết nghe theo, làm theo sự hướng dẫn, điều khiển của máy tính, điện thoại. Vì thế cháu cảm thấy rất khó chịu và bực bội. Còn khi đọc sách, không cần theo sự hướng dẫn của ai, với hàng ngàn con chữ sống động, khi nhắm mắt lại, cháu sẽ tưởng tượng ra rất nhiều điều mà cháu chưa được thấy hằng ngày nếu đi học, cháu đọc sách 1 tiếng trước khi đi ngủ. Còn ngày nghỉ, cháu có thể đọc sách bất cứ lúc nào, kể cả khi ăn cơm”.
Nhiều độc giả băn khoăn, hiện nay thị trường sách thiếu nhi ở VN bùng nổ với rất nhiều đầu sách và thể loại sách, nên không biết lựa chọn sách cho con như thế nào. Dịch giả Thuỳ Linh cho rằng, cha mẹ chỉ nên lựa chọn sách cho con khi trẻ chưa tự có sự lựa chọn. Còn TS Nguyễn Thị Ngọc Minh nêu 2 tiêu chí chọn sách cho thiếu nhi: Đó là những tác phẩm kinh điển, đã được thử thách qua thời gian và đời sống và những tác phẩm văn học đương đại.
Về những lo ngại của các bậc phụ huynh khi thời gian vừa qua xảy ra nhiều tranh luận xung quanh một số cái kết của truyện cổ tích như Tấm Cám, hay truyền thuyết Thánh Gióng tắm Hồ Tây…Tạ Thành Tấn, giảng viên ĐHSP Hà Nội nói rằng, truyền thông, và người lớn đang tranh cãi về những câu chuyện đó bằng cái nhìn của người lớn chứ không phải của trẻ con. Nhãn quan của trẻ con là nhãn quan của những thiên thần, và đọc truyện cổ tích là hoàn toàn có ích cho trẻ./.