“Cuộc đời có rất nhiều nỗi đam mê. Có nỗi đam mê dẫn ta đến thân bại danh liệt, có nỗi đam mê làm ta cao sang. Riêng niềm đam mê đọc sách luôn làm cho con người trở nên tử tế hơn và sáng suốt hơn, nó không bao giờ phản bội ta!”, GS. Chu Hảo đã chia sẻ như thế, khi tham gia Hội thảo và Triển lãm sách của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), sáng ngày 21/4, tại Hà Nội.
Người Việt có ham đọc sách?
Làm sao để đọc sách là một niềm đam mê của mỗi người? Người Việt Nam có mê đọc sách? Những câu hỏi không mới đã được đặt ra (một lần nữa) tại Hội thảo và Triển lãm sách mà VAST tổ chức để hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam.
“Bảo rằng từ ngàn xưa người Việt Nam ta đã mê đọc sách có lẽ chưa đủ thuyết phục. Bởi lẽ hàng mấy nghìn năm, suốt từ khi lập quốc cho đến thế kỷ 19, chữ viết của nước ta là chữ Hán. Có mấy người được học chữ Hán? Rất ít! Mà biết chữ Hán chủ yếu cũng là để ra làm quan chứ không phải để viết sách” - GS. Chu Hảo cắt nghĩa về nguồn gốc “chậm tiến” của văn hóa đọc.
Không may thay, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để bảo vệ Tổ quốc đã kéo dài hơn 30 năm làm cho việc làm ra sách và đọc sách gặp muôn vàn khó khăn. Trong bối cảnh này, không thể gây dựng được một phong trào đọc sách của toàn dân!
Ở thời đại mà công nghệ nghe, nhìn lấn át việc đọc, thì văn hóa đọc của chúng ta đã không ngừng bị mai một đi. Học sinh, sinh viên chưa có được phương pháp lựa chọn sách, chưa tạo được thói quen đọc sách. “Trong các nhà trường của chúng ta, từ mẫu giáo cho đến đại học, không ở đâu thầy cô giáo dạy cho các em học sinh cách lựa chọn, cách đọc” - Giáo sư Chu Hảo nhấn mạnh.
Cũng theo vị giáo sư này, điều đáng buồn và lo ngại hơn nữa là ngày nay có hai đối tượng cần phải đọc nhất là học sinh sinh viên và những người lãnh đạo lại là những người ít đọc sách nhất.
Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng internet là chủ yếu thì sách vẫn không thể mất đi. Khi văn hóa đọc sách của người Việt Nam đang được cảnh báo thì ngay lúc này, cần thiết những giải pháp để vực dậy một phong trào khích lệ người dân đọc sách.
Từ phía nhà trường và gia đình cần nuôi dưỡng cho học sinh một thói quen đọc những quyển sách có giá trị. Muốn làm được điều này, tất nhiên, môi trường giáo dục cơ bản phải có những định hướng về sách thiết thực, cụ thể và thường xuyên cho học sinh.
Hiện nay, các tổ chức xã hội đang tích cực tham gia vào việc vực dậy văn hóa đọc nước nhà. Đơn cử như Dự án Sachhay.com (từ năm 2015 là do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức) đang làm.
Muốn có sách hay (kể cả sách viết hay sách dịch) trước hết phải có các tác giả tài năng và thiện tâm. “Các tác giả này lại phải được làm việc trong một môi trường sáng tạo được đảm bảo bằng pháp luật và được nuôi dưỡng bốn nhu cầu cơ bản: Tôn thờ lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ; Độc lập tư duy; Hoài nghi lành mạnh; Tự do sáng tạo” - GS. Chu Hảo nói.
Còn theo TS. Uông Đình Khanh (Viện Địa lý thuộc VAST) thì: “Để viết được một cuốn sách hay thì người viết cần có những trăn trở, suy nghĩ về nội dung mà mình theo đuổi. Quá trình viết một cuốn sách cũng đồng nghĩa với việc dành tâm huyết truyền bá tri thức đến với độc giả”.
Cũng tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Tư liệu đã chia sẻ: “Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa không chỉ đối với các tác giả viết sách là các nhà khoa học, đối với nhà xuất bản, in và phát hành sách của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói riêng, mà còn đối với các học viên cao học, nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu và cộng đồng độc giả nói chung trong việc khuyến khích và phát triển văn hóa đọc để nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như phát triển tư duy, bồi đắp tri thức”.
Chúng ta đang có nhiều lựa chọn trong việc tiếp cận tri thức trong “thế giới phẳng”. Nhưng, cần có cái nhìn chính xác về thế mạnh của việc đọc sách, rằng: Việc đọc bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá và tiếp thu tri thức một cách hệ thống và sâu sắc mà văn hóa nghe, nhìn (vốn có thế mạnh trong việc cung cấp thông tin và giải trí) không thể làm được./.
- Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg (ngày 24/2/2014) chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.
- Quyết định nêu rõ, Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
- Để hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, sáng ngày 21/4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo và Triển lãm sách để hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam.