Lẽ thường, Tết là dịp sum vầy của những người thân trong gia đình. Với nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng, các mẹ, vợ liệt sĩ, những người đã cống hiến cả đời cho “mùa Xuân của dân tộc”, Tết cũng là khoảng thời gian các Mẹ thấy vui nhất bởi sự sum vầy của xóm giềng, của các đoàn thể, của những người con, người cháu không do các Mẹ sinh ra nhưng vẫn gọi các Mẹ là Bà, là Mẹ.

Những ngày cuối năm, căn nhà tình nghĩa của Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Viễn, ở phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới rộn vang tiếng cười. Trước sân nhà, các bạn trẻ hăng hái dọn vệ sinh, trồng hoa, tỉa cây, chăm vườn rau xanh mướt. Đã bước qua tuổi 92 nhưng Mẹ Hà Thị Viễn vẫn luôn nhớ về nhiều chuyện ngày xưa...

me_vnah_urub.jpg Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Viễn luôn có các con bên cạnh chăm sóc

Mẹ kể, chồng mất sớm, mình Mẹ gánh vác việc đồng áng, nuôi 6 con khôn lớn. Cả 3 người con trai của Mẹ nối tiếp nhau tình nguyện ra mặt trận, rồi hy sinh trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Mẹ Hà Thị Viễn rưng rưng nhớ lại, chỉ trong vòng 5 mùa xuân, mẹ đã mất đi cả 3 người con trai yêu dấu.

“3 người con lần lượt hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Trong các năm 1967, 1969, 1972, cứ hai năm một đứa hy sinh, làm sao mà không đau đớn cho được”, Mẹ Viễn nhớ lại.

Ba người con trai của Mẹ Viễn hy sinh khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi, chưa kịp lập gia đình, sinh con đẻ cháu cho Mẹ. Bây giờ, Mẹ lại có nhiều đứa con là những thanh niên, hội viên phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân... trong thôn, xã thường xuyên đỡ đần Mẹ lúc trái gió trở trời.

 Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Viễn bên ngôi nhà tình nghĩa

Anh Nguyễn Công Thành, Bí thư Đoàn phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết, vào các dịp lễ Tết, tổ chức Đoàn thường tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ Mẹ những công việc khó khăn. Những món quà thăm hỏi tuy không lớn nhưng đó là cả tấm lòng của của những người trẻ tỏ lòng biết ơn đối với các Liệt sỹ đã đổ xương máu vì cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay.

Với mẹ Nguyễn Thị Cúc ở phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, nỗi đau mất chồng, mất con cũng âm ỉ hàng chục năm nay. Hai người thân yêu của Mẹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chồng mẹ bị lính Pháp bắn chết năm 1947. Còn cô con gái Trần Thị Nồng đã ngã xuống tại trận địa pháo trên cồn cát Hải Thành năm 1966.

Anh Trần Khởi, người con trai út đang chăm sóc Mẹ Cúc cho biết, vào mỗi dịp lễ Tết, các cấp lãnh đạo cũng như người dân trong thôn xóm đều đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với Mẹ lúc tuổi già.

Trong những năm qua, bằng nhiều nghĩa cử cao đẹp, tỉnh Quảng Bình thường xuyên chăm lo đời sống cho các gia đình có công với cách mạng. Không chỉ nhận phụng dưỡng suốt đời các Mẹ, địa phương này còn thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng tìm về giúp xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, sửa soạn từng bữa ăn, giấc ngủ cho các Mẹ.

Ông Phạm Xuân Bình, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đối với các Mẹ đang còn sống các huyện, các đoàn thể phân công trực tiếp giúp đỡ công việc hàng ngày. Sở tham mưu cho Uỷ ban tỉnh phát động phong trào nhận phụng dưỡng các Mẹ. Trong dịp Tết này ngoài quà của Chủ tịch nước, quà của các cấp lãnh đạo, còn có các tổ chức đoàn thể tham gia giúp đỡ các Mẹ”.

Những việc làm giàu tình nghĩa “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ con cháu hôm nay đã và đang sưởi ấm tấm lòng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trong mùa xuân này./.