Không cần đủ 3 năm kinh nghiệm quản lý, được nợ bằng chính trị cao cấp, chuyên viên có thể thi tuyển lên làm Vụ trưởng hoặc Cục trưởng. Đây là điều đã được thực hiện trong kỳ thi tuyển Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông-Vận tải). Vượt qua 6 ứng viên khác, ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông - Vận tải đã trúng tuyển vị trí này.

ong_thach_tr_uzku.jpg
Ông Nguyễn Văn Thạch (áo trắng) có số điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT (Ảnh: giaothongvantai)
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thạch để tìm hiểu rõ hơn về những đổi mới trong công tác  tuyển chọn lãnh đạo của Bộ Giao thông - Vận tải cũng như những kế hoạch mà tân Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội lâu nay.

** Để trở thành Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, ông đã trải qua kỳ thi tuyển như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thạch: 7 ứng viên tham gia thi tuyển mỗi người phải chuẩn bị một đề án, chương trình hành động của mình. Nếu trúng cử vào vị trí Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông phải có chương trình hành động từ nay tới 2020 và tầm nhìn đến 2030. Sau đó là phần trình bày, hỏi đáp trước Ban giám khảo khoảng 14-15 người. Thời gian trình bày khoảng 1 tiếng và hỏi đáp khoảng 2 tiếng, phần thi của mỗi ứng viên khoảng 3 tiếng.

Trong đề án của mình, tôi đã đưa ra giải pháp cho 5 lĩnh vực của ngành giao thông. Đối với từng lĩnh vực, tôi đưa ra cả giải pháp dài hạn và ngắn hạn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, lo ngại nhất là tai nạn giao thông đường bộ chiếm tới 96-97% số người chết. Chính vì vậy, các giải pháp tôi đưa ra đều tập trung vào vấn đề an toàn đường bộ.

** Bộ GTVT được đánh giá là cơ quan đi đầu về cải tiến thi tuyển chức danh lãnh đạo và quản lý, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã từng tuyên bố, ngoại trừ cấp Thứ trưởng, Bộ sẽ tổ chức thi tuyển ở tất cả các vị trí Bộ có thẩm quyền bổ nhiệm. Ông đánh giá thế nào về những đổi mới trong công tác tuyển lựa cán bộ quản lý, lãnh đạo mà một số bộ ngành, địa phương đang tiến hành hiện nay?

7 ứng viên tham gia dự kỳ thi tuyển Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông
Ông Nguyễn Văn Thạch
: Tôi thấy thực hiện thi tuyển như vậy rất tốt, tuyển chọn cán bộ, lãnh đạo một cách công khai. Những người tham gia khi trúng tuyển sẽ thấy vô cùng vinh dự. Còn những người không được cũng có một chiến thắng lớn đối với bản thân, bởi để tham gia cuộc thi, mỗi người phải đọc, tham khảo rất nhiều tài liệu trong suốt mấy tháng liền.

** An toàn giao thông là vấn đề nhận được quan tâm hàng đầu của xã hội hiện nay. Vậy công việc đầu tiên mà ông sẽ thực hiện trên cương vị Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông - Bộ GTVT là gì?

Ông Nguyễn Văn Thạch: Tôi sẽ ưu tiên những việc không mất nhiều chi phí để làm trước. Ví như việc kiểm toán an toàn đường bộ, Bộ GTVT chưa làm được nhiều, việc này chúng tôi sẽ tiến hành ngay, không mất nhiều kinh phí nhưng có tác dụng rất lớn. Kinh nghiệm của Mỹ khi làm thẩm định an toàn đường bộ, người ta đã thống kê khoảng 300 vị trí được thẩm định an toàn đường bộ thì tai nạn giao thông giảm từ 30-40%, chi phí chỉ chiếm khoảng 0,35-0,5% chi phí xây dựng công trình.

** Thời gian qua, dư luận xã hội không khỏi bức xúc trước thông tin lái xe khách bị phát hiện có sử dụng ma túy đã gây ra nhiều vụ TNGT, cùng với đó là việc chạy ẩu, giành đường gây tai nạn của một số lái xe buýt gần đây, vậy ông sẽ có những biện pháp gì để chấn chỉnh, giải quyết vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Thạch: Trong đề án chúng tôi đã tính đến 2 vấn đề này. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh đối với vận tải đường bộ. Trước mắt sẽ phải xây dựng các Thông tư hướng dẫn để thực hiện Nghị định này. Trong Nghị định này, chúng tôi cũng đưa ra nhiều giải pháp để quản lý lái xe ví như vừa rồi đã thực hiện khám sức khỏe lái xe; sắp tới sẽ làm sổ theo dõi lái xe, tức là những lái xe chuyên nghiệp, lái xe khách phải có sổ theo dõi; và tiến tới học tập kinh nghiệm của nước ngoài, cấp phép cho các lái xe khách. Ở nước ngoài, vận tải hành khách, người ta cấp phép cả lái xe, doanh nghiệp lẫn phương tiện. Theo điều kiện của nước ta hiện nay, chúng ta sẽ phải đặt ra lộ trình để thực hiện.

** Tốt nghiệp Thạc sĩ về GTVT tại Đại học Sydney, Australia và có 10 năm liền giữ chức Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ GTVT, trong quá trình học tập làm việc ở nước ngoài, ông đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm hay của quốc tế. Vậy tới đây ông có dự định áp dụng những kinh nghiệm của các nước bạn vào thực tiễn nước ta hiện nay hay không?

Ông Nguyễn Văn Thạch: Tôi thấy có rất nhiều cách làm hay nhưng chúng ta chỉ lựa chọn những cách phù hợp nhất. Ví dụ, người ta giao cho các đơn vị tư nhân lắp đặt camera trên đường để thực hiện cưỡng chế, phạt nguội các trường hợp vi phạm luật giao thông. Những hình ảnh rõ ràng, có thể tiến hành phạt được sẽ được họ giao cho cảnh sát, và cảnh sát sẽ thanh toán lại cho các công ty tư nhân những hình ảnh vi phạm đó.

Theo tôi, cách xã hội hóa đó, chúng ta triển khai được sẽ rất tốt, chúng ta vẫn tiến hành phạt được các trường hợp vi phạm, còn nhà nước không phải lo lắng về chi phí để mua sắm, lắp đặt, bảo dưỡng camera; phía công ty tư nhân sẽ đầu tư và chịu trách nhiệm về chi phí lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa camera và in ra các hình ảnh.

Một bài học nữa mà tôi thấy họ làm rất bài bản và ấn tượng đó là vấn đề truyền thông về an toàn giao thông. Họ lấy hình ảnh một cháu bé ở độ tuổi mẫu giáo khi được bố đón ở cổng trường thấy bố có mùi bia rượu, cháu bé không chịu lên xe. Từ câu chuyện đó có thể thấy họ giáo dục ý thức về an toàn giao thông cho người dân rất tốt, từ cháu bé mới 4-5 tuổi đã biết tự bảo vệ bản thân, và người bố khi nhìn thấy thái độ của con sẽ phải nghĩ lại mình.

** Ông có điều gì muốn nhắn gửi người dân để chung tay xây dựng văn hóa giao thông?

Ông Nguyễn Văn Thạch: Tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng mọi người hãy tham gia giao thông và tuân thủ pháp luật, ra đường cùng nhường nhịn nhau.

** Xin cảm ơn ông./.