Vượt hàng trăm cây số đưa con trai lên Hà Nội thi đại học (ĐH), bác Hoàng Văn Tuyên, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng còn mang theo lồng chim sáo rừng. Không phải bác Tuyên mang chim sáo lên để ngắm hay nghe nó hót mà là để bán lấy tiền lo cho con thi ĐH.

Gia đình bác Tuyên khá khó khăn, thu nhập chính chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, trồng cây thuốc lá. Nhờ có chính sách cho hộ nghèo vay vốn, vợ chồng bác đã mạnh dạn vay ngân hàng tiền mua thêm bò về nuôi với mong muốn có thêm thu nhập cho gia đình và giành dụm nuôi hai con ăn học.

bac_tuyen_2_eiwc.jpg 

Bác Hoàng Văn Tuyên chăm sóc 2 chú chim sáo cuối cùng

Năm nay, thu hoạch nông sản chẳng được bao nhiêu, cả nhà bác Tuyên gom góp chỉ được 2 triệu đồng. Tính nhẩm không đủ tiền đi xe và chi phí trong cả 2 đợt thi ĐH, trước ngày con lên thành phố dự thi, bác Tuyên đã chèo lên vách núi cao trong vòng 4 ngày bắt được 10 chú chim sáo với ý nghĩ ra Hà Nội bán lấy thêm tiền lo “lộ phí” cho con đi thi.

Hôm đầu tiên ra Hà Nội, hai bố con bác Tuyên đang còn rất bỡ ngỡ thì được sinh viên tình nguyện nhiệt tình đưa bác đến ký túc xá trường ĐH Kinh tế Quốc dân ở miễn phí.

Biết được hoàn cảnh của bác Tuyên, nhiều giáo viên và nhân viên của trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã đến mua gần hết số chim sáo bác mang đi. Cho đến sáng 3/7, khi phóng viên VOV.VN đến ký túc xá của trường thì chỉ còn lại 2 chú sáo nhưng đã có người đặt mua từ trước và để lại nhờ bác trông giữ hộ.

Chia sẻ với hoàn cảnh và hành động hết lòng vì con của bác Hoàng Văn Tuyên, ông Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân đã đại diện cho tập thể nhà trường tặng quà cho bác. Lãnh đạo nhà trường còn tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ gia đình bác Tuyên nếu con trai bác thi đỗ ĐH.

Con thành đạt mà phải bán hết gia tài thì... cũng sẵn sàng

Trước sự quan tâm của lãnh đạo, cán bộ, giáo viên nhà trường và những người yêu mến, bác Hoàng Văn Tuyên rất xúc động, không biết nói gì hơn là bày tỏ lòng cảm ơn tới tất cả mọi người.

Bác nông dân nghèo cho biết, hiện tại, gia đình bác đang ở trong ngôi nhà đắp đất nhưng chưa bao giờ bác không nguôi hy vọng về hai người con của mình. Nếu con học hành thành tài, phải bán hết gia tài, trâu bò, ruộng vườn, gia đình bác cũng sẵn sàng.

 

Bác Tuyên và con trai bên lồng chim sáo

Hiểu được hoàn cảnh gia đình, thương cha mẹ vất vả, Hoàng Văn Hạnh - con trai lớn của bác Tuyên luôn có ý thức trong học tập và rèn luyện. Ngoài giờ học, Hạnh còn tranh thủ giúp gia đình các công việc nhà. Khi đến vụ thu hoạch lúa, thuốc lá, chăn bò là em đều chủ động cùng bố mẹ đi làm từ sáng sớm.

Không chỉ giúp cha mẹ việc gia đình, Hạnh còn chăm sóc và dạy em học rất tốt.

Năm nay, Hạnh thi 2 khối A và B nên khi thi xong khối A, em tiếp tục tá túc ở Hà Nội để thi đợt 2, khối B vào ĐH Tài nguyên và Môi trường.

Tâm sự với phóng viên, cậu học trò nghèo miền núi Cao Bằng mong muốn thi đỗ đại học và ra trường có việc làm để góp phần giúp bố mẹ đỡ vất vả. Tháng lương đầu tiên em sẽ đưa cho mẹ để góp tiền sửa ngôi nhà đắp đất./.